Tranh mua cổ phiếu có P/E 60 lần, vì đâu?

StockBiz- 11/03/2016

Với mức giá bình quân 80.000 đồng/cp tương đương với mức P/E lên đến gần 60. Cổ phiếu Vissan đã khiến cho những công ty niêm yết hàng đầu trên sàn cũng phải "thán phục".

 Ngày 07/03/2016, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh. Vissan thực hiện bán 11,328 triệu cổ phần, tương đương 14% vốn điều lệ với giá khởi điểm 17.000 đồng/cp.

Kết quả, 100% số lượng cổ phần chào bán đã được bán ra với mức giá trung bình 80.053 đồng/cp, cao gần gấp 5 lần giá khởi điểm. Tổng số tiền thu về gần 907 tỷ đồng. Đây là trường hợp đặc biệt của Vissan khi là công ty hiếm hoi có được mức giá đấu cao trong thời gian gần đây.

Theo kế hoạch cổ phần hóa, quy mô cổ phần chào bán phục vụ mục đích cổ phần hóa của Vissan là 80.914.300 cổ phần tương đương 100% vốn điều lệ của VISSAN. Ngoài việc chào bán hơn 11.3 triệu cổ phần (14% vốn) ra công chúng, Vissan còn có kế hoạch chào bán 11.3 triệu cp (14% vốn) cho không quá 3 nhà đầu tư chiến lược với giá khởi điểm 17,000 đồng/cp và chào bán 3.37 triệu cp mua ưu đãi cùng 1.5 triệu CP cam kết mua thêm cho người lao động. Sau cổ phần hóa, nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn, tương đương với trên 52,5 triệu cổ phần.

Điểm mạnh là hệ thống phân phối

Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) là một doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Thương Mại Sài Gòn (SATRA), được thành lập vào ngày 20/11/1970 và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 18/05/1974.

Hiện Vissan đang cung cấp 3 nhóm sản phẩm bao gồm: thực phẩm tươi sống (thịt heo, bò và các sản phẩm khác); thực phẩm chế biến khô (thịt hộp, lạp xưởng, xúc xích tiệt trùng) ; thực phẩm chế biến mát - đông lạnh (giò, thịt nguội, chế biến đông lạnh). Trong cơ cấu doanh thu, nhóm thực phẩm tươi sống (phần lớn là thịt heo) chiếm tỷ trọng cao nhất (39%).

Lợi thế lớn nhất của Vissan chính là nắm hệ thống phân phối, là đơn vị đầu ngành kinh doanh thực phẩm với nhiều mặt hàng đang chiếm lĩnh thị phần như xúc xích, lạp xưởng. Hiện ngoài mảng thực phẩm tươi sống, Vissan đang nắm 65% thị phần xúc xích, 75% thị phần lạp xưởng và sở hữu hệ thống phân phối với hơn 130.000 điểm bán trên toàn quốc. Nhờ đó góp phần giúp cho Vissan đạt giá trị gia tăng khá cao. Tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 18,65% bình quân giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận gộp cũng có sự tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm 2015 lên mức 22,44% cho thấy sự cải thiện khả năng sinh lời của Vissan.

9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Vissan tăng so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể lợi nhuận đạt gần 95 tỷ đồng, cao hơn 83 tỷ đồng năm 2014. Có được kết quả này là nhờ yếu tố giá vốn hàng bán giảm mạnh 461 tỷ đồng so với cùng kỳ. Sự sụt giảm của giá vốn hàng bán trong 9 tháng nằm 2015 có nguyên nhân một phần từ việc giá thịt heo đầu vào giảm. Bên cạnh đó, chiến lược nâng cao năng lực chế biến đã giúp tăng tỷ suất lợi nhuận của Vissan.

Những bước đi chậm chạp

Vissan hiện đang triển khai đầu tư theo mô hình chuỗi sản xuất khép kín 3F (Feed- Farm- Food), nhiều giải pháp để kích nhóm chế biến thực phẩm tăng trưởng . Trong đó, hầu hết các dự án mà Vissan tập trung xây dựng đều nhắm vào việc mở rộng phân khúc thực phẩm chế biến. Đây là mảng đang đóng góp khoảng 60% tỷ suất lợi nhuận gộp cho Vissan.

Giữa năm 2015, Vissan đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng mở rộng giai đoạn II Nhà máy chế biến thực phẩm tại Bắc Ninh với năng lực sản xuất 20.000 tấn sản phẩm chế biến/năm, gấp 6 lần công suất hiện tại. Ngoài ra, theo kế đến năm 2018, Giai đoạn 2 của dự án “Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan” có quy mô 22,4 Ha với vốn xây dựng khoảng 1.000 tỷ đồng đô dự kiến sẽ hoàn thành phục vụ việc chế biến các sản phẩm từ phó sản động sản, mở rộng ngành hàng thực phẩm cao cấp có giá trị gia tăng cao.

Các nhà máy mới của Vissan khi đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết về giới hạn năng lực sản xuất trong các năm qua. Dự kiến đến năm 2019, doanh thu của Vissan mới bắt đầu tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là bước đi đã chậm của ông lớn ngành thực phẩm này khi mà các công ty lớn nước ngoài đang phả hơi nóng vào gáy rồi mới bắt đầu đầu tư?

Hiện nay, rất nhiều đông tư nước ngoài đã và đang đầu tư mạnh vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Đáng chú ý nhất là Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, một doanh nghiệp con của Tập đoàn CP (Charoen Pokphand Group) Thái Lan. C.P Việt Nam được xem là doanh nghiệp tiên phong trong mô hình "3F", tức là từ thức ăn chăn nuôi (Feed) đến trang trại (Farm) rồi trở thành thực phẩm (Food). Ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam cho biết C.P đang hướng tới là đơn vị cung cấp thịt heo sạch đứng thứ 7 trên thế giới.

Một số đơn vị ngoại khác cũng đã định hình mô hình 3F là Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam với nhà máy chế biến thực phẩm (xúc xích) với thương hiệu Jupiter. Ngoài ra là rất một số doanh nghiệp khác như cũng đã hoàn thiện mô hình 3F như Austfeed, đơn vị nắm quyền điều hành Công ty Dược thú y Cai Lậy Mekovet (HNX: MKV ).

P/E 60 lần vẫn hấp dẫn?

Về cơ cấu tài sản, Vissan cho thấy sự ổn định trong cơ cấu nợ vay và tài sản. Hiện các chỉ số khả năng thanh toán của Vissan là khá tốt với nguồn tiền lên tăng đều trong những năm gần đây. Đến quý III/2015, tiền và tương đương tiền của Vissan lên đến 545 tỷ đồng. Cộng với số tiền gần 1 ngàn tỷ đồng từ đợt phát hành 14% vốn mới đây và dự kiến phát hành thêm 14% nữa trong thời gian sắp tới sẽ giúp doanh nghiệp này chủ động được nguồn vốn cho việc đầu tư vào các dự án mở rộng.

Tuy nhiên, một trong những yếu tố khiến cho nhà đầu tư phải e ngại đó chính là tỷ lệ chi phí đang có tín hiệu gia tăng. Chi phí bán hàng đã tăng từ mức bình quân 8,5% năm 2013-2014 lên 9,4% trong 9 tháng đầu năm 2015. Ngoài ra, chi phí quản lý cũng nhảy vọt từ mức bình quân 6% giai đoạn 2013-2014 lên chiếm đến xấp xỉ 8,5% trong 9 tháng đầu năm 2015. Đây là tỷ lệ khá cao trong cơ cấu doanh thu khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 3,6%.

 


 Chi phí hoạt động quá cao sẽ khiến lợi nhuận biên khó được cải thiện trong thời gian ngắn khi mà công ty không có sự đột phá trong việc điều hành hoạt động kinh doanh. Hiện doanh thu của công ty này hầu như không tăng trưởng đáng kể. Lợi nhuận cũng không có sự đột biến, mức bình quân giao động trên 100 tỷ đồng là quá nhỏ bé so với cái “tiếng tăm” mà Vissan có được.

Theo bộ phận phân tích của một công ty chứng khoán đánh giá, Vissan chỉ phù hợp với các nhà đầu tư dài hạn. Mức giá giá khởi điểm mà Vissan đưa ra trước đó là 17.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E khoảng 12,5 lần được cho là tương đối hợp lý so với mức P/E khoảng 12,1 lần trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Thế nhưng, với mức giá bình quân 80.000 đồng/cp tương đương với mức P/E lên đến gần 60 lần là điều mà ngay cả những chuyên gia tài chính cũng phải bất ngờ.

Hiện những cổ phiếu hàng đầu ngành trên sàn hiện nay như Vinamilk (HOSE: VNM ) thậm chí đã có kế hoạch thoái vốn của cổ đông lớn SCIC, thế nhưng mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng trả cho VNM chỉ ở mức 20 lần so với thu nhập trên mỗi cổ phần.

Với những cái lõi mà Vissan có được cùng tiềm năng tăng trưởng cao của ngành thực phẩm . Thế nhưng, liệu rằng cái giá bỏ ra quá cao trước mắt có được bù đắp bằng khả tăng trưởng cao trong dài hạn vẫn là điều khó trả lời trong khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt?

Trong quá khứ cũng đã từng có những trường hợp cổ đông “hớ” nặng khi mua cổ phần trong đợt IPO lần đầu ra công chúng với giá cao của các doanh nghiệp lớn trên sàn, chẵng hạn như trường hợp của Vietcombank (HOSE: VCB ) năm 2007.

Mảnh ghép hoàn hảo cho mô hình 3F

Ở một góc độ khác, lý giải giá trúng thầu cao là do sự “tranh dành” của các tổ chức muốn tham gia trở thành đối tác chiến lược. Việc chỉ có 5 cá nhân và 1 tổ chức bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để sở hữu 14% vốn của Vissan chứng tỏ họ đại diện cho những nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính mạnh chứ không phải chỉ là nhà đầu tư bình thường. Chính vì thế không ngoại trừ khả năng việc mua gom cổ phần để bán lại cho cổ đông chiến lược trong thời gian tới.

Trong phiên đấu giá vừa qua, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan cho biết thông tin về 3 nhà đầu tư chiến lược muốn mua cổ phần Vissan với lượng đăng ký mua gấp 3 lần lượng bán đấu giá. Hiện tại có 3 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần Vissan, gồm có Anco, Proconco – 2 công ty con của Masan Group và CJ - tập đoàn Hàn Quốc. Ngày 24/3, Vissan sẽ tổ chức đấu giá tiếp 14% vốn nữa để tìm ra nhà đầu tư chiến lược phù hợp. Ngoài ra, ông Mười còn cho biết lộ trình thoái vốn của Nhà nước tại Vissan sẽ được công bố trong Đại hội cổ đông đầu tiên của Công ty vào ngày 29/4 tới đây.

Như vậy, phải chăng việc Vissan sẽ có lộ trình thoái vốn sớm hơn là điều mà hai ông lớn ngành thực phẩm Masan và CJ đã “đánh hơi” được? Với việc nắm chắc chuỗi Farm và Food, Vissan là mảnh ghép hoàn hảo cho tham vọng hoàn thiện chuỗi 3F mà những ông lớn như Masan hay CJ đang tìm kiếm.

Và từ đó, có thể lý giải với mong muốn nắm chuỗi cung ứng này, họ sẵn sàng bỏ ra cái giá rất cao để gom được từng % vốn của công ty này để khỏi phải mất công mua lại sau khi đã trở thành cổ đông lớn.

 Trong lịch sử M&A của mình, Masan cũng đã từng thực hiện nhiều thương vụ thâu tóm “kinh điển” tương tự với công ty có vốn nhà nước. Chỉ sau 2 năm, sau khi âm thầm thu gom 20% Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF ), Masan bất ngờ đăng ký mua trên 50% vốn của công ty này vào năm 2011, với giá chào mua được xác định là 80.000 đồng/cổ phần với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng.

Như vậy, có thể dự báo cuộc đấu giá tới đây dự kiến sẽ tiếp tục căng thẳng giữa các bên để nắm được lượng cổ phần lớn từ đợt IPO này. Chưa biết tiềm năng tới đâu nhưng việc tranh giành càng gay gắt thì Vissan càng được lợi khi bán được giá cao.

 

Huy Nguyên

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015