Tại hội thảo “Thị trường chứng khoán nửa cuối 2018: Cơ hội có đủ lớn? chiều ngày 17/8, ông Chua Hak Bin – Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn Maybank Kim Eng cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể dẫn đến sự dịch chuyển dòng thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Mặt khác, mức thuế 25% đối với mặt hàng ô tô và phụ tùng nhập khẩu có thể sẽ được áp dụng trong thời gian tới. Đồng NDT nhiều khả năng sẽ tiếp tục mất giá, tạo áp lực lên đồng tiền các nước Đông Nam Á.
Theo ông Bin, nếu chiến tranh thương mại diễn biến xấu đi, các đồng tiền các nước trong khu vực ASEAN sẽ mất giá 3-4%. Tuy nhiên đối với Việt Nam, điều này không thực sự khá lo ngại bởi tín dụng tăng trưởng của hệ thống ngân hàng chậm lại nhưng vẫn duy trì mức hai chữ số. Đồng thời, Việt Nam có thặng dư tài khoản vãng lai tương đương với 8% GDP để có thể chống đỡ được những cú sốc về tỷ giá.
Điều mà nhà kinh tế trưởng lo ngại đó là khi chiến tranh thương mại leo thang thì chi phí đầu tư tăng lên, khả năng xảy ra việc tạm dừng đầu tư của các tập đoàn lớn.
Tuy nhiên, trong thử thách cũng sẽ có nhiều cơ hội, đó là việc dịch chuyển những nguồn nhập khẩu chính của Mỹ cho sản phẩm áp thuế lên Trung Quốc sang các nước khu vực ASEAN. Theo đánh giá của ông Bin, các ngành gồm linh kiện điện tử, lốp cao su của Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Mặc dù thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng nhưng quy mô ngành này ở Việt Nam còn nhỏ nên sức ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại đến thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ thấp hơn các nước khác.
Hội thảo “Thị trường chứng khoán nửa cuối 2018: Cơ hội có đủ lớn? (ảnh: MA) |
Ông Bin cho rằng, Chính phủ có thể hạn chế mức trần về nợ công, thâm hụt về tài khóa bằng việc phát triển thị trường trái phiếu. Hiện thị trường trái phiếu Việt Nam chiếm 23% GDP nhưng chủ yếu là trái phiếu Chính phủ.
Mặt khác, hiện tại Việt Nam có lợi thế khá lớn là dân số đông và trẻ nhưng khoảng 10 năm nữa, lợi thế này sẽ không còn nữa nếu không biết tận dụng.
Ông Bin không tin vào chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm. Theo ông, khủng hoảng chỉ diễn ra khi lợi tức cổ phiếu lên cao. Hiện tại, mức lợi tức chưa phải là cao nhưng nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị tinh thần cho việc đó. Nếu có xảy ra thì Việt Nam sẽ không nằm tâm chấn của cuộc khủng hoảng.
“Bởi Việt Nam là nước xuất khẩu lớn, du lịch khá là tốt, tài khoản vãng lại và cán cân thương mại đều dương.Tôi không nghĩ sẽ xảy ra khủng hoảng”, ông Bin cho biết.
Cuối cùng, ông Bin khuyên nhà đầu tư chuẩn bị một tâm thế linh động trước mọi diễn biến của chiến tranh thương mại. Nếu Mỹ tiếp tục đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ gây sốc với thị trường chứng khoán.
Nhận định thị trường chứng khoán trong năm 2018, ông Nguyễn Thanh Lâm - Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, rủi ro thị trường đang ở mức cao hơn nhiều so với 2017. Tuy nhiên rủi ro không có nghĩa là không thể đầu tư.
Theo ông Lâm, VN-Index giảm mạnh nhất khi chiến tranh thương mại xảy ra. Đây có vẻ như là một phản ứng hơi thái quá của nhà đầu tư.
Sau đợt sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có vùng đệm rẻ hơn 25-30% so với khu vực ASEAN. Thái Lan. Nếu loại trừ VIC, Vinhomes thì VN-Index đang có mức P/E khoảng 14,5.
Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể đạt 1.302 điểm đến cuối năm 2018. Theo ông Lâm, nếu Mỹ và Trung Quốc tìm được tiếng nói chung, thị trường khu vực ASEAN có thể tăng thêm 20%, và cộng thêm 15% chiết khấu của thị trường Việt Nam thì khả năng VN-Index sẽ có được mức tăng khoảng 35% tương đương hơn 1.300 điểm.
Kịch bản trung tính 1.109 điểm có thể xảy ra khi căng thẳng chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ hạ nhiệt hơn với các giải pháp trung dung.
Trong trường hợp Mỹ tiếp tục đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc với mức thuế 25% khả năng sẽ khiến cho VN-Index về 820 điểm trong năm 2018.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/neu-chien-tranh-thuong-mai-leo-thang-vn-index-co-the-ve-820-diem-74016.html