Điều gì đang diễn ra với “sóng thần” cổ phiếu UPCoM?

StockBiz- 30/03/2016

Thời gian gần đây, giao dịch trên Upcom bỗng nhiên thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư khi diễn biến sôi động cùng một số mã cổ phiếu tăng mạnh, có lúc giá trị giao dịch toàn sàn còn vượt qua cả sàn Hà Nội (HNX).

Tăng trưởng chóng mặt

Upcom-Index cũng chỉ mới tăng trưởng từ đầu tháng 3 vừa qua, cùng với sự leo giá của một số cổ phiếu.

 

Upcom-Index tăng mạnh từ đầu tháng 3 vừa qua (Biểu đồ: VNDirect)


Để chỉ mặt điểm tên những cái tên bỗng chốc vụt sáng trên Upcom không quá khó khi đột nhiên những cổ phiếu này có giao dịch đột biến chỉ trong một thời gian ngắn. Có thể kể đến cổ phiếu VGG của May Việt Tiến, cổ phiếu MSR của Tài nguyên Masan hay VEF của Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam.

Bắt đầu chào sàn Upcom từ 10/3/2016 với giá tham chiếu 40.000 đồng/cổ phiếu, VGG đã nhanh chóng leo lên mức 56.000 đồng/cổ phiếu chỉ trong một phiên. Đến nay, chốt phiên giao dịch ngày 25/3, cổ phiếu VGG của May Việt Tiến đang ở mức 68.630 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 22% so với ngày đầu tiên. Thậm chí, có lúc cổ phiếu này còn chạm mức 78.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên khối lượng giao dịch của cổ phiếu này chưa thực sự lớn.

Trong khi đó, mặc dù đã lên Upcom từ tháng 9 năm ngoái song đến đầu tháng 3 vừa qua, cổ phiếu MSR của CTCP Tài nguyên Masan chỉ mới bắt đầu tăng mạnh. Khối lượng giao dịch của MSR thời gian này không hề thua kém các cổ phiếu lớn trên 2 sàn chính.

Cơ cấu cổ đông của MSR khá cô đặc khi công ty mẹ Masan Group sở hữu tới hơn 74% cổ phần, tiếp sau là MRC Itd (20,5%), phần còn lại mới thuộc các cổ đông nhỏ lẻ.

 


Đóng cửa phiên 25/3, giá MSR ở mức 24.800 đồng/cổ phiếu. So với mức 8.800 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 3, thị giá của mã này đã nhanh chóng leo cao, tăng tới 181%. Mặc dù ở trên hai sàn chính, cổ phiếu khoáng sản có dấu hiệu tích cực song để đạt được mức tăng như MSR khá khó, đặc biệt đối với một cổ phiếu nằm ẩn trên Upcom – nơi vốn không có nhiều nhà đầu tư ngó ngàng đến.

Hay như VEF , mặc dù chỉ mới giao dịch vào cuối 2015 và giá của VEF đang có chiều hướng tăng, tuy nhiên ở những phiên gần đấy, sự đột biến trong giá giao dịch cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải để ý.

Khá ế ẩm trong phiên IPO và nhà đầu tư chiến lược phải cam kết mua lại hết số cổ phiếu bị ế, tuy nhiên từ khi lên Upcom với giá 10.100 đồng/cổ phiếu, đến nay VEF đã tăng lên tới 78.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, trong 7 phiên gần đây nhất, cổ phiếu này đã lầm lũi leo từ 41.500 đồng/cổ phiếu lên 78.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng tới 87%.

Trong khi đó, tương tự như MSR , cơ cấu sở hữu của VEF thậm chí còn cô đặc hơn khi Vingroup đang nắm tới 83,3% cổ phần VEF .

 


Cuộc chơi không dành cho tất cả

Cổ phiếu trên Upcom bỗng nhiên tăng mạnh, nhiều đánh giá cho rằng việc có nhiều chính sách hỗ trợ đang giúp thị trường này “thức giấc” sau một thời gian dài tĩnh lặng.

Cụ thể, thông tư 180 quy định những công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thì sẽ phải đăng ký giao dịch trên Upcom trong vòng 1 năm. Đối với những công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016 thì sẽ phải đăng ký giao dịch trong vòng 30 ngày kể từ khi UBCK có công văn hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ khi hoàn thành đợt IPO.

Điều 56, Nghị định 60 cũng quy định doanh nghiệp sau khi IPO phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO.

Có thể nói hiện sàn Upcom đang là bước đệm để các cổ phiếu sau IPO có thể niêm yết chính thức trên 2 sàn chứng khoán lớn là HOSE và HNX. Cũng có thể nhận thấy, có khá nhiều doanh nghiệp lớn đang ẩn mình trên thị trường này.

Tuy nhiên Upcom trước đó biết đến là thị trường không hấp dẫn, dòng tiền đổ vào không nhiều, cũng ít được cơ quan quản lý lẫn truyền thông để ý. Có nhiều cổ phiếu sau khi lên Upcom vẫn “án binh bất động” chờ thời. Và việc đẩy giá cổ phiếu để có thể có một “hồ sơ” hoàn hảo trước khi chuyển lên hai sàn chính là điều quá cần thiết với cả cổ đông lẫn doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, mới đây, những thông tin từ HNX cho biết sẽ tiến hành cấp margin cho một số cổ phiếu trên Upcom. Nếu đạt được điều này, việc giao dịch trên Upcom sẽ còn sôi động hơn. Cùng với biên độ +/-15%, cao hơn hẳn hai sàn chính (+/-7% đối với Hose và +/-10% đối với HNX), giá của mã trên Upcom có thể được thổi lên cao hơn hẳn giá trị thật của cổ phiếu, đi cùng với đó cũng chính là rủi ro lớn khi biên độ dao động quá mạnh.

Upcom hiện tại cùng với những đợt tăng giá lạ thường của nhiều mã cổ phiếu sẽ còn thu hút nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên rủi ro khi đổ tiền đầu tư vào tại thị trường này vẫn còn quá lớn.

Bởi trên thực tế, sự tăng trưởng của Upcom gần đây vẫn chỉ là cuộc chơi của một vài mã cổ phiếu mà thôi.

 

NGUYÊN MINH

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015