Chứng khoán cuối năm: Kiên trì chờ tin vui

StockBiz- 06/10/2014

Các nhà đầu tư lướt sóng sẽ cần phải tiết chế giao dịch và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng.

Yếu ngắn hạn

Thị trường mở cửa phiên đầu tuần không mấy khả quan. Theo giới phân tích, khi vận động lên các mức cao hơn, áp lực bán ra được đẩy mạnh khiến hai chỉ số thoái lùi đáng kể trở lại từ mức tăng cao nhất trong tháng. Ghi nhận của KimEng Maybank cho thấy, thanh khoản vẫn chỉ duy trì ở mức trung bình thấp.

Tính số liệu ngày giao dịch cuối tuần trước, HSX có 134,5 triệu đơn vị khớp lệnh với giá trị đạt 2.312 tỷ đồng (-5,1%) trong khi HNX có 69,7 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công với giá trị 918 tỷ đồng (-10%). Với mức thanh khoản như hiện tại, dòng tiền được nhìn nhận vẫn chưa đi vào trạng thái mở rộng. Nói cách khác, thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh.

Việc điều chỉnh này xuất phát từ yếu tố nào? Đối với nhà đầu tư dài hạn, xu hướng điều chỉnh hiện tại không xuất phát từ sự xấu đi trong kinh doanh. Ngược lại, nhà đầu tư ngắn hạn đang bám sát những biến động cung cầu hằng ngày và mức điều chỉnh dưới 10% kể từ đỉnh thường chưa phải là mức chiết khấu hợp lý của một sóng tăng.

Khối nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận một phiên giao dịch cân bằng sau khi đã bán ròng mạnh ở phiên trước đó. Cụ thể, khối ngoại bán ròng nhẹ 9,3 tỷ đồng trên sàn HSX, các mã bị bán ròng mạnh nhất là VIC (-24,2 tỷ đồng), GAS (-18,4 tỷ đồng), CII (-9,6 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất ở KBC (+14,2 tỷ đồng) và OGC (+12,9 tỷ đồng).

Sự xung đột quan điểm này có thể thấy rất rõ trong 3 tuần điều chỉnh vừa qua. Nhóm cổ phiếu dầu khí là điển hình của sự pha trộn giữa yếu tố đầu cơ và đầu tư, khi những cổ phiếu có chất lượng cơ bản tốt đã tăng giá như một cổ phiếu đầu cơ thuần túy.

Xu hướng điều chỉnh đang diễn ra đã tạo nên mức điều chỉnh khác nhau ở các cổ phiếu. Nhóm ngành này tiếp tục chịu áp lực cung hàng ở mức cao và đa phần các mã hoạt động dưới mức chung của thị trường, điển hình là PGS (-0,8%), PVC (-2,7%), PVE (-4,4%), PVS (-1,4%), PVT (-1,2%),...

Thực tế, cổ phiếu dầu khí trở thành tâm điểm của thị trường nhờ chuỗi thông tin hỗ trợ liên tục được công bố, đồng thời cũng nhờ bản chất doanh nghiệp có triển vọng tốt trong kinh doanh. Những yếu tố đó đều trở thành lý do để giải thích cho sự tăng giá mạnh mẽ. Chỉ đến khi nhịp điều chỉnh xảy ra, mối quan tâm tới thông tin hỗ trợ mới được đánh giá theo các quan điểm đầu tư khác nhau.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu chứng khoán cũng có những nhịp điều chỉnh mạnh. Không có được thông tin hỗ trợ nào đáng kể, cổ phiếu chứng khoán hầu như đứng ngoài xu thế tăng của thị trường và lợi nhuận rất kém.

Tuy nhiên điều này lại đem lại hệ quả tốt, là dòng vốn ngắn hạn không giao dịch nhiều tại những mã này, cũng như yếu tố cơ bản tạo nên lực đỡ tốt hơn. Chẳng hạn SSI, HCM, VND, KLS, BVS... giảm rất ít trong 3 tuần qua.

Lợi dài hơi

Sự khó đoán của thị trường khiến yếu tố tự tin của nhà đầu tư vẫn chưa trở lại trên diện rộng và giao dịch trên thị trường vẫn chưa bứt ra được trạng thái giằng co nhẹ. Điều này đồng nghĩa với việc bất cứ lực mua hay bán bất ngờ nào cũng có thể dễ dàng ảnh hưởng đến các chỉ số chính của thị trường.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VDSC nhận định, biến động của chỉ số trong các phiên gần đây dường như không đại diện cho diễn biến giao dịch chung của thị trường. Sự "co cụm" trong giao dịch từ đầu tháng 9 tới nay cũng không hẳn quá bi quan.

Ví dụ, quy mô giao dịch từ chỗ đạt trên 6.400 tỷ đồng, giảm xuống trên 3.600 tỷ đồng. Mức suy giảm này là khá cao, nhưng so với thời kỳ tháng 4 thì vẫn là một mức giao dịch lớn.

Theo đó, xu hướng giảm hiện tại được chấp nhận một cách rộng rãi như một nhịp điều chỉnh lại đối với sóng tăng lớn kéo dài gần 4 tháng. Mức điều chỉnh này thường có giới hạn. Mặt khác, dòng thông tin hỗ trợ gần nhất liên quan đến kết quả kinh doanh quý III chuẩn bị xuất hiện.

Đơn cử, Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố số liệu về chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính trong tháng 9 và tiêu thụ, tồn kho 8 tháng qua. Nhìn chung, số liệu cho thấy tình hình lạc quan hơn trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam, đặc biệt là sự cải thiện dần ở khía cạnh tiêu thụ các mặt hàng, tạo cơ sở cho việc nâng cao sản lượng của các doanh nghiệp trong các tháng cuối năm.

Theo số liệu ước tính của GSO, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Việt Nam trong tháng 9 giảm 0,4% so với tháng trước chủ yếu do sản lượng sản xuất và phân phối điện giảm xấp xỉ 2,5% so với tháng 8 trong khi các chỉ số cấu thành khác như công nghiệp chế biến, chế tạo và cung cấp nước, xử lý rác thải tăng nhẹ khoảng 1%.

Tính chung 9 tháng đầu năm, IIP duy trì mức tăng ổn định 6,7% so với cùng kỳ, trong đó sản xuất linh kiện điện tử vẫn dẫn đầu với mức tăng 35,9%, một số mặt hàng khác có chu kỳ tăng trưởng cuối năm như dệt may, da giày, thủy sản cũng được đẩy mạnh sản lượng trong tháng này.

Niềm tin tiêu dùng cũng dần được cải thiện thông qua việc chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến tháng 8 tăng 6,4%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3 đến nay. Điều này tương đối phù hợp với khảo sát về niềm tin tiêu dùng của ANZ Roy Morgan khi chỉ số này đã tăng liên tiếp trong 4 tháng qua.

Thông tin tích cực này phần nào cho thấy khó khăn về yếu tố đầu ra, điều mà các doanh nghiệp trong nước luôn quan ngại từ đầu năm đến nay đã dần được giảm nhẹ.

Tóm lại, mặc dù sản lượng sản xuất công nghiệp trong tháng 9 ước tính giảm nhẹ nhưng ở nhóm ngành chế biến, chế tạo vốn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong những tháng cuối năm vẫn ghi nhận mức tăng khá.

Cho dù vậy, giới phân tích vẫn tiếp tục giữ quan điểm thận trọng dành cho thị trường trong ngắn hạn 1 tuần tới. Theo đó, các nhà đầu tư lướt sóng sẽ cần phải tiết chế giao dịch và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng.


HÀ LINH

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015