AVF và dấu hiệu “đổi chủ”

cafeF- 22/05/2015

 - Dấu hiệu nóng lên của cổ phiếu AVF cùng với những phiên tăng trần gần đây.

- Xuất hiện cổ đông lớn tại Anvifish.

- Đầu tư vào Anvifish có thể vẫn là khoản đầu tư tiềm năng, cho dù chứa đựng nhiều rủi ro.


Ngày 18/5/2015, một cổ đông cá nhân bất ngờ mua vào 1,1 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Việt An. Đó là phiên cổ phiếu AVF giảm sàn xuống còn mức 700 đồng/cp. Sau đó, 3 phiên liên tiếp, AVF liên tục tăng trần, bất chấp thông tin AVF sẽ bị hủy niêm yết vào 10/6 tới.

Thú vị ở chỗ, ông Lê Văn Lợi (cổ đông vừa mua cổ phiếu AVF) bất ngờ trở thành cổ đông lớn của AVF sau một thời gian dài công ty này không có cổ đông lớn. Cũng vì không có cổ đông lớn, việc bỗng dưng lỗ một khoản khổng lồ, rồi bị hủy niêm yết chỉ sau 1 năm thua lỗ chưa thực sự được giới đầu tư quan tâm.

Trên thực tế, với vốn điều lệ trên 430 tỷ đồng, mỗi phiên giao dịch cũng có đến hàng triệu, hàng trăm nghìn cổ phiếu AVF được trao tay. Với mức giá siêu thấp, có thể nhiều nhà đầu tư đánh giá cao khả năng hồi phục của AVF.

Việc AVF tăng trần và giao dịch nhộn nhịp thời gian gần đây có bắt nguồn từ "trào lưu" cổ phiếu tăng trần trước khi rời sàn như một loạt cổ phiếu đã từng trải qua? PXM (Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung) trước khi hủy niêm yết đã tăng trần 16 phiên liên tiếp, QCC (Công ty Cổ phần Xây lắp và Phát triển Dịch vụ Bưu điện Quảng Nam) cũng có nhiều phiên tăng giá/tăng trần trước khi hủy niêm yết chính thức.... Sau khi hủy niêm yết, các cổ phiếu này đã tiếp tục giao dịch và phục hồi trên sàn UpCOM.

Vậy, khả năng phục hồi của AVF có thể đến từ đâu?

Anvifish đã từng thuộc top 10 các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam. Từ năm 2009 đến 2013, doanh thu xuất khẩu của Anvifish liên tục tăng trưởng, từ 59 triệu USD lên 83 triệu USD. Bắt đầu từ năm 2014, tình hình mới bắt đầu khó khăn với AVF khi thị trường chính của công ty là Mỹ bị vướng thuế chống bán phá giá vào quốc gia này.

Thị trường của AVF có 60% là từ châu Mỹ (chủ yếu là Mỹ), còn lại là Châu Âu và Nga. Nói gì thì nói, thậm chí “bỏ đi” hoàn toàn thị trường Mỹ do vướng thuế chống bán phá giá, thì doanh thu xuất khẩu của AVF vào Châu Âu và Nga vẫn không quá tệ. Năm 2013, doanh thu xuất khẩu sang 2 khu vực này của AVF đạt 25 triệu USD.

Những khó khăn của AVF bắt đầu xuất hiện và công bố chính thức ở báo cáo bán niên soát xét năm 2014. Trước đó, vào cuối tháng 4, công ty này đã kịp phát hành gần 14 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với mức giá được cho là ưu đãi (5.000 đồng/cp). Công ty đã thu về gần 70 tỷ đồng qua thương vụ này.

70 tỷ đồng không đủ để AVF khắc phục những khó khăn về dòng tiền. Theo báo cáo bán niên soát xét, hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ của công ty bị đình trệ khiến khả năng tạo dòng tiền và thanh toán nợ của AVF bị ảnh hưởng.

Cũng từ tháng 4/2014, các cổ đông lớn của AVF ồ ạt bán cổ phiếu nắm giữ của công ty, thị giá của AVF liên tục lao dốc.

Theo báo cáo công ty tự lập, sau khi đánh giá lại hàng tồn kho, giá trị hàng tồn kho cuối năm của AVF chỉ còn 16 tỷ đồng, giảm sâu từ mức 512 tỷ đồng đầu năm. AVF đã dùng hàng tồn kho để thế chấp cho các khoản nợ tại ngân hàng của công ty này. Hiện tại giá trị hàng tồn kho còn lại của AVF vẫn là dấu hỏi khi công ty này chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014.

Cũng lưu ý, vi phạm công bố thông tin, trong đó có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 mới là nguyên nhân chính thức AVF bị hủy niêm yết, chứ không phải là khoản lỗ khổng lồ năm 2014. Cho đến khi có báo cáo kiểm toán, chưa thể kết luận về việc lãi lỗ năm 2014 cũng như hiện trạng hàng tồn kho của công ty.

Và ngay cả khi có báo cáo kiểm toán, hàng tồn kho vẫn có thể là khoản mục bị kiểm toán ngoại trừ khi chưa có đủ bằng chứng kết luận.

Với những lý do đó, có thể AVF vẫn là khoản đầu tư tiềm năng, mặc dù chứa đựng nhiều rủi ro.

Theo điều lệ công ty theo đợt sửa đổi ngày 14/8/2014 (mới nhất), cổ đông và nhóm cổ đông nắm giữ 5% cổ phần từ 6 tháng trở lên của công ty ngoài quyền triệu tập ĐHCĐ bất thường, còn có quyền đề cử người vào HĐQT và BKS công ty. Với điều khoản này, việc “đổi chủ” của AVF và cải tổ công ty là hoàn toàn hiện hữu.

Cũng nhắc lại, hiện tại toàn bộ thành viên HĐQT và BKS Anvifish hầu như không nắm giữ cổ phần công ty này. Họ là lao động nhận lương của công ty hơn là những ông chủ thực sự của AVF. Họ đã tự mình từ bỏ quyền làm chủ đối với doanh nghiệp mà họ sáng lập và quản lý trong suốt một thời gian dài.

Đan Nguyên

Theo InfoNet

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015