Thị trường có những phiên tăng giảm điểm xen kẽ trong biên độ rộng thể hiện sự giằng co trong tâm lý nhà đầu tư thì thị trường chưa xuất hiện ngôi sao mới. Các cổ phiếu có tính dẫn dắt và chi phối chỉ số vẫn là tâm điểm của thị trường.
Do đó, sự quan tâm của nhà đầu tư dường như không mấy thay đổi.FLC, OGC, GAS, HAI, PVD, DCM, HAG, KLF, SSI - Đó là những cổ phiếu được tìm kiếm nhiều nhất trên website của cafef.vn trong tuần qua. Như vậy, nhân tố mới được nhà đầu tư quan tâm là DCM.
Trong tuần này có thể thấy các cổ phiếu đầu cơ đã vươn lên mạnh mẽ và có sự tăng bậc rõ rệt. FLC đứng vị trí số 1 thay cho cổ phiếu GAS khi giao dịch của GAS đã ổn định hơn. OGC bứt tốc mạnh lên vị trí số 2. Cổ phiếu DCM của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau vừa lên sàn nhưng đã nhanh chóng chiếm vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng. HAI, HAG, SSI vẫn vững vàng trong bảng dù thứ hạng bị tụt xuống.
OGC - Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group)
OGC đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2014 với khoản lợi nhuận 404,4 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ) - tăng mạnh so với 55,4 tỷ đồng năm 2013. Đáng lưu ý, mặc dù là kết quả kinh doanh hợp nhất, đây chỉ là kết quả tạm tính khi OGC chưa ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh quý 4/2014 của công ty liên kết là Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Quý 4 đóng góp phần lớn lợi nhuận vào OGC với sự khởi sắc trong hoạt động tài chính - cụ thể là việc bán cổ phần của Ocean Mart.
Với thông tin hỗ trợ mạnh như vậy, cổ phiếu OGC đã khởi sắc và có 2 phiên tăng điểm mạnh liên tục. Giá cổ phiếu từ 4.400 đồng đã tăng lên 4.900 đồng và thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
GAS - Tổng công ty khí Việt Nam và PVD - Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí
Trong tuần qua, hai cổ phiếu dầu khí này vẫn luôn thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư khi mà tác động tăng giảm của giá cổ phiếu ảnh hưởng lớn đến VNIndex. Với việc 2 cổ phiếu này có vẻ đã tạo đáy xong và có xu hướng ổn định hơn, các nhà đầu tư cũng yên tâm hơn về mặt tâm lý và bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu khác.
Thông tin khác liên quan là việc cổ đông Deutsche Bank AG, London Branch thông báo đã mua 1.879.600 cổ phiếu và bán ra 244.600 cổ phiếu của PVD. Trong khí đó, liên quan đến việc ma cổ phiếu qũy, PVGas cũng thông báo chỉ mua hơn 600 nghìn cổ phiếu quỹ trong số 10 triệu cổ phiếu đã đăng ký mua trước đó.
DCM - CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau)
Cổ phiếu Đạm Cà Mau đã chính thức giao dịch trên HSX vào ngày cuối cùng của tháng 3 với giá tham chiếu 14.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu DCM được nhiều nhà đầu tư chú ý bởi Đạm Cà Mau là một doanh nghiệp lớn trong ngành, có kết quả kinh doanh qua các năm khá tốt, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn ngay từ thời điểm IPO.
Tuy nhiên, khá bất ngờ khi giá cổ phiếu này lại giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tiên với thanh khoản đạt 3,8 triệu và 2,2 triệu cổ phiếu. Dù vậy, 2 phiên sau, DCM đã lấy lại được cân bằng và bắt đầu có sự tăng điểm nhẹ, thanh khoản sụt giảm mạnh so với trước đó.
HAG - CTCP Hoàng Anh Gia Lai
Thông tin doanh nghiệp trong tuần có nhiều điểm đáng lưu ý khi mà Văn phòng Chính Phủ yêu cầu Bộ Công Thương bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đầu tư, sản xuất tại Lào vào Bản Thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào với số lượng 50.000 tấn, với thuế suất trong hạn ngạch 2,5%.
HĐQT Hoàng Anh Gia Lai cũng đã vạch kế hoạch kinh doanh năm 2015 với chỉ tiêu LNTT đạt 2.100 tỷ đồng và phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên. Cổ phiếu ESOP sẽ được hạn chế chuyển nhượng 5 năm. Cổ tức dự kiến năm 2015 được đặt ra từ 10 - 15% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Hoàng Anh Gia Lai vừa ra thông báo hủy hợp tác đầu tư 275 triệu USD từ Rowley. Được biết trước đó theo biên bản thỏa thuận hồi tháng 2/2015 giữa 2 bên đã thống nhất rằng Rowley sẽ mua 50% cổ phần của CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh (Hoang Anh Land) với giá khoảng 275 triệu USD. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu, thay vì mua 50% cổ phần Hoang Anh Land, phía Rowley lại đề nghị phương án đầu tư trực tiếp vào Hoang Anh Myanmar. Thuế suất trên lợi nhuận chuyển nhượng vốn tại Myanmar đang ở mức quá cao (40%) - do vậy HAGL không thể đồng ý với đề nghị từ Rowsley.
Công ty này cũng đã ra một nghị quyết đổi tên CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Rubber) thành CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). HAGL dự kiến sẽ đưa cổ phiếu của HAGL Agrico niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). Việc niêm yết dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7/2015. Đồng thời HAGL sẽ chuyển sở hữu cổ phần tại CTCP Bò sữa Tây Nguyên sang cho HAGL Agrico.
Anh Tuyên
Theo Trí thức trẻ