Dường như các nhà đầu tư cứ phải dõi theo sự tăng giảm của BID, CTG, VCB để ra quyết định hành động, ngay cả khi họ không nắm giữ những cổ phiếu này, hay nói cách khác các cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ vai trò chi phối trong diễn biến của VN-Index tuần qua.
Trong 2 ngày đầu tuần, tiếp nối động thái từ tuần trước đó, thị trường tiếp tục chứng kiến sự giảm điểm đến lộ sàn của dòng ngân hàng, đặc biệt tại ngày 3/2. Tuy nhiên, cũng rất nhanh chóng, trong phiên giao dịch thứ 4, các cổ phiếu ngân hàng đã hãm đà rơi của mình và tạo đáy, rồi trỗi dậy trong 2 phiên tăng điểm cuối tuần. Sự hưng phấn quay trở lại cùng sự dốc lên của VN-Index đang làm nhiều nhà đầu tư khấp khởi: Liệu có phải vòng 2 của các cổ phiếu ngân hàng đó không? Dù sao cũng cần lưu ý, phiên giao dịch thứ 2 tới đây, hàng bắt đáy về tài khoản và áp lực bán chốt lời sẽ tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, thanh khoản tuần qua giảm sút mạnh so với trước đó. Tết âm lịch đang đến gần và sự thận trọng cũng như tâm lý chốt lời trước Tết phần nào đã hạn chế dòng tiền của các nhà đầu tư. Cùng với điều này, có lẽ không nhiều nhà đầu tư giữ nguyên danh mục của mình qua tết khi phải trả phí margin trong 9 ngày nghỉ.
Trong thời điểm các cổ phiếu ngân hàng suy yếu, thị trường le lói xuất hiện dòng tiền mạnh vào các mã cổ phiếu đầu cơ. Tuy rằng dòng tiền chưa thực sự mạnh, mức tăng điểm của các mã chưa lớn nhưng cũng là một tín hiệu sớm cho thị trường trong lúc xu hướng dòng tiền chưa rõ ràng.
Cổ phiếu OGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương tuân qua vẫn tiếp tục trên con đường đi tìm đáy mới của mình. Mức giá 6.100 đồng tuần trước đã bị thay thế bằng mức giá mới thấp nhất 5.000 đồng. Có lẽ với các thông tin không mấy sáng sủa, bộ máy lãnh đạo vẫn chưa ổn định thì tương lai của OGC vẫn còn rất nhiều rủi ro phía trước.
Có thêm những tổ chức kiến nghị hoãn thực hiện tỷ lệ 5% cho vay cổ phiếu là BIDV và HOSE. Ngay khi tin tức này được công bố đã tác động rất tích cực lên thị trường.
Biến động chỉ số và thanh khoản
VN-Index chào tuần mới bằng 2 phiên giảm điểm, trong đó vào thứ 3, ngày 03/02/2015, chỉ số giảm tới 12,9 điểm nhưng đồng thời thanh khoản đạt mức cao nhất trong tuần. Song 3 phiên giao dịch sau đó, với động lực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index đã tăng điểm trọn vẹn. Kết thúc tuần, VN-Index đạt 574,1 điểm - giảm 2 điểm so với cuối tuần trước.
Tuy nhiên, thanh khoản lại giảm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình chỉ đạt gần 75,9 triệu cổ phiếu/ ngày tương đương 1.189 tỷ đồng/ngày – giảm 28,4% về khối lượng và giảm 33,3% về giá trị.
HNX-Index tăng 2/5 phiên, giảm mạnh trong 2 phiên đầu tuần và có sự phục hồi vào những phiên sau đó. Chỉ số đã giảm 1,7 điểm trong tuần qua, kết thúc tuần tại 83,87 điểm.
KLGD khớp lệnh trung bình của sàn HNX đạt gần 36 triệu đơn vị/ngày – giảm 35,4% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch đạt gần 353,4 tỷ/ngày – giảm gần 47,7%.
Giao dịch của khối ngoại
Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng tới 171 tỷ đồng vào ngày đầu tuần 02/02. Trong ngày hôm đó, khối này đã bán 157 tỷ đồng cổ phiếu CII. Trong 2 ngày cuối tuần, khối ngoại đã quay lại mua ròng và mua khá mạnh vào ngày 06/02 với giá trị 101,5 tỷ đồng.
Theo đó, tính chung cả tuần, khối ngoại bán ròng gần 65 tỷ đồng.
Tại đây, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 64,8 tỷ đồng, mạnh nhất là ở CII (169,5 tỷ đồng), HPG (32,3 tỷ đồng), STB (22,7 tỷ đồng), HAG (21,6 tỷ đồng). Ngược lại họ mua ròng chủ yếu ở MWG (39,4 tỷ đồng), VCB (38,6 tỷ đồng), CTG (30,8 tỷ đồng), HT1 (28,8 tỷ đồng)...
Tại sàn Hà Nội, khối ngoại chỉ mua ròng duy nhất vào ngày 04/02 với giá trị chỉ có 5,7 tỷ đồng. Tính chung cả tuần, khối này bán ròng 27,4 tỷ đồng. PVS vẫn đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị bán ròng 46,4 tỷ đồng. Đứng sau đó là LAS (9,8 tỷ đồng) và VCG (2,4 tỷ đồng)… Ngược lại, họ mua ròng chủ yếu ở IVS (7,6 tỷ đồng), SHB (5,6 tỷ đồng), VND (4,4 tỷ đồng)…
Trên HNX, khối ngoại bán ròng 12,8 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở PVS (11,4 tỷ đồng), SHB (6 tỷ đồng), PGS (3,6 tỷ đồng)… trong khi mua ròng chủ yếu ở KLS (7,6 tỷ đồng), SCR (4,7 tỷ đồng)…
Hải Long
Theo InfoNet