“Những năm gần đây, năm nào chúng ta cũng gọi là “năm bản lề”. Nhưng 5 năm rồi, cũng thấy mệt mỏi. Nếu năm nay không làm được nữa, thì dỡ luôn “bản lề” ra mà bước vô…”.
Chia sẻ của ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý quỹ là một trong những tiếng nói sốt ruột tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán 2015, được tổ chức ngày 2/2 vừa qua.
Khi nhiều dự định, kế hoạch chậm trễ được thực hiện, những giải pháp kích cầu, khơi thông dòng vốn trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán đang được đặt ra như những mục tiêu cấp thiết trong năm 2015.
“Trái tim thứ hai có vấn đề”
Ông Tân nói: “Cái khó không phải tại tình hình kinh tế Việt Nam hay thế giới, mà tại vì chính chúng ta. Hợp nhất sở không xong, nới room không xong, cổ phần hóa dè dặt. Vậy, thị trường chứng khoán đang nằm ở vị trí nào…? Thị trường chứng khoán là trái tim của nền kinh tế thì phải trân trọng nó. Chưa năm nào chia sẻ với anh chị với giọng buồn như hôm nay”.
Theo ông, đã đến lúc cần có cái nhìn bớt thiên lệch hơn: “Chúng ta nâng niu dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) nhưng đáng tiếc lại không nâng niu FII (đầu tư gián tiếp nước ngoài). Để một cơ thể hoạt động được thì cần trái tim, nhưng để một cơ thể hoạt động được trong nền kinh tế thì cần hai trái tim là ngân hàng và chứng khoán. Nhưng, trái tim thứ hai có vấn đề”.
“Về nới room, đã nói quá nhiều về nó, từ năm nay qua năm kia nhưng không làm được. Khi nhà đầu tư nước ngoài nói về vấn đề đó thì mình rất ngượng. Nếu chúng ta tiếp tục đặt đây là nhiệm vụ quan trọng mà không thực hiện được thì chúng ta tiếp tục lỗi hẹn”, ông Tân nói.
Đánh giá về cơ hội, ông cho rằng, chưa bao giờ thấy kinh tế vĩ mô Việt Nam đúng hướng và được đánh giá cao như vậy. Tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng GDP cuối năm là thành công ngoài sức mong đợi.
Cho nên, “đó là điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn vào thị trường chứng khoán”.
Thời điểm quan trọng
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, cũng nhìn nhận 2015 là thời điểm quan trọng, nhằm huy động tốt hơn dòng vốn nước ngoài vào thị trường, khi những cam kết quốc tế đã “dọn đường” và tư tưởng của cơ quan quản lý cũng là cởi mở theo WTO và TPP.
Bước đi quan trọng của nhiệm vụ này sẽ là sửa đổi Nghị định 58 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán đang gấp rút sửa đổi nghị định này, trong đó vấn đề lớn nhất là nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
“Chúng tôi cố gắng ban hành nghị định này vào đầu quý 2/2014, khoảng tháng 4 tới đây”. Việc sửa đổi Nghị định 58 sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 100% công ty chứng khoán trong nước.
Theo ông Bằng, quan điểm của Ủy ban Chứng khoán là tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài vào những ngành nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh và các ngành nghề có điều kiện để thu hút dòng vốn này vào thị trường chứng khoán.
Với các giải pháp dài hơi hơn, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên bảng phân loại MSCI, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là nhiệm vụ quan trọng.
Chính vì vậy việc tăng quy mô, thanh khoản, giảm thủ tục hành chính, mở rộng khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài là những nhiệm vụ quan trọng.
Ông Bằng nói, đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết, nhất là đưa lên sàn những doanh nghiệp lớn, tăng chất lượng công bố thông tin bằng tiếng Anh, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài, xây dựng lộ trình bán bớt vốn nhà nước để nâng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng là những hành động trọng tâm trong năm 2015.
Theo Khánh Hà
VnEconomy