Đà giảm giá của thị trường chứng khoán đã chậm lại trong phiên giao dịch sáng 10/12. Phần lớn cổ phiếu đã tăng trở lại chứ không còn ồ ạt giảm như những phiên trước. Dù chưa thể khẳng định xu hướng giảm đã kết thúc chưa nhưng hiện là thời điểm hợp lý để mua vào một số cổ phiếu.
Khảo sát của chúng tôi dựa trên 40 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên cả 2 sàn cho thấy P/E trung bình tính theo giá đóng cửa ngày 9/12 của nhóm cổ phiếu này hiện ở mức 13,9 lần – giảm đáng kể so với mức 14,9 lần của một tháng trước đây.
Điều này đồng nghĩa với việc vốn hóa của nhóm cổ phiếu này đã “bốc hơi” một lượng đúng bằng tổng lợi nhuận 4 quý gần nhất của cả nhóm, tương đương 63.200 đồng.
Nhóm 40 cổ phiếu lớn nhất trên hiện có tổng vốn hóa đạt xấp xỉ 880 nghìn tỷ đồng, tương đương 80% tổng vốn hóa trên cả 2 sàn.
Đối với toàn thị trường, theo số liệu của Bloomberg thì P/E của toàn sàn HoSE hiện ở mức 13,5 lần và P/E của sàn HNX là 13,73 lần – tức thấp hơn một chút so với P/E của top 40 cổ phiếu lớn nhất.
Nhiều cổ phiếu P/E dưới 10 lần
Trong nhóm chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp đang có lợi nhuận 4 quý gần nhất là số âm dẫn tới P/E âm. Còn lại có 23 cổ phiếu có P/E thấp hơn mức trung bình và 16 cổ phiếu P/E lớn mức trung bình.
Bốn cổ phiếu có P/E thấp nhất gồm có: PVS, GMD, MBB và HPG; đều có P/E nhỏ hơn 8 lần. Ở chiều ngược lại, OCH và ITA là những mã có P/E cao nhất, ở mức trên 50 lần.
Nhóm cổ phiếu dầu khí sau đợt sụt giảm mạnh vừa qua thì P/E cũng đã xuống thấp: PVS: 7,4 lần; PVD: 8,2 lần; GAS 12,4 lần và PVT: 13,6 lần.
Mặc dù P/E đang ở mức hấp dẫn nhưng nếu giá dầu tiếp tục thấp như hiện nay thì triển vọng lợi nhuận trong các quý tới của nhóm dầu khí sẽ không còn khả quan; đồng nghĩa với P/E forward năm 2015 chưa chắc đã ở mức hấp dẫn.
Một số cổ phiếu có P/E hiện tại ở mức dưới 8 lần như GMD hay HPG đều ghi nhận những khoản lợi nhuận bất thường trong thời gian qua như Gemadept bán Gemadept Tower cho CJ Group còn Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận từ dự án Mandarin Garden.
P/E cao chưa chắc đã đắt và P/E thấp chưa chắc đã rẻ, điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng của nhà đầu tư đối với triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong những năm tới.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có sự phân hóa lớn về P/E: MBB, BIDV và Sacombank (STB) có P/E từ 7,5-8,5 lần đến VCB có P/E hơn 18 lần và cao nhất là ACB và Eximbank (EIB): 26-28 lần.
Theo Infonet