Top 10 "Kings of cash" trên thị trường

StockBiz- 08/01/2016

"Tiền mặt là vua” là câu thành ngữ quen thuộc trong giới tài chính khi nhận định về sức mạnh thực của các doanh nghiệp. NDH xin liệt kê ra danh sách top các doanh nghiệp có lượng tiền và các khoản tương đương tiền có thanh khoản cao tính đến cuối quý 3/2015.

Một công ty có lượng tiền mặt nhiều mang đến một sự phòng vệ rủi ro tốt trước các sú sốc bất chợt, nhất là trong bối cảnh môi trường kinh doanh đi xuống. Ngoài ra, lượng tiền mặt dồi dào cũng giúp các doanh nghiệp chủ động và lợi thế hơn trong việc thực hiện các thương vụ M&A cũng như thực hiện các khoản đầu tư vào tài sản cố định để nắm bắt được cơ hội tăng trưởng.

Một doanh nghiệp có nhiều tiền mặt cũng được giới đầu tư ưa thích hơn so với các đối thủ cùng ngành bởi khả năng chi trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ khả quan hơn, tương tự như trường hợp của tập đoàn Kido (tên mới của Kinh Đô). Một công ty có lượng tiền mặt lớn cũng có thể chi ra các khoản tiền để mua lại cổ phiếu quỹ, mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu.

Dĩ nhiên, việc nắm giữ quá nhiều tiền trong một số trường hợp cũng không phải là điều thực sự tốt, bởi nó cho thấy doanh nghiệp dường như đang bế tắc với những ý tưởng đầu tư, điều có thể ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng trong các năm tới.

Danh sách này có lẽ vẫn còn những thiếu sót lớn, chỉ liệt kê một số doanh nghiệp và đã bỏ qua một số khác có quy mô lớn và sở hữu lượng tiền mặt cũng rất đáng kể. Ngoài ra, số tiền trong két chưa chắc sẽ thuộc về các cổ đông của doanh nghiệp khi đó có thể là tiền đi vay, khách hàng trả tiền trước….Việc dùng số tiền đó để chi tiêu quá tráng có thể mang lại những gánh nặng nợ sau này.

Tổng công ty khí Việt Nam ( GAS ): 19.799 tỉ đồng

Khủng nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ là GAS khi có gần 20.000 tỉ đồng tiền mặt vào cuối quý 3/2015. Tỉ lệ cổ tức bằng tiền của doanh nghiệp này khoảng 17%/năm cũng khá hấp dẫn.

Mặc dù vậy, việc tập đoàn dầu khí Việt Nam ( PVN) đang sở hữu hơn 96% cổ phần khiến các quyết định tăng cổ tức bằng tiền sẽ chịu sức ép chi phối lớn từ cổ đông nhà nước này.

Đạm Phú Mỹ ( DPM ): 5.024 tỉ đồng

DPM là một doanh nghiệp kinh doanh phân bón có thị phần lớn, dù việc xuất hiện của đối thủ Đạm Cà Mau đã ảnh hưởng phần nào đến thị phần của doanh nghiệp. Lượng tiền mặt 5.024 tỉ đồng thực sự là một con số rất lớn.

Tỉ lệ chi trả cổ tức bằng tiền của DPM trong 2015 lên đến 40%, rất hấp dẫn so với thị giá chỉ dao động khoảng 30.000 đồng trong vài tháng trở lại đây.

Tập đoàn Kido ( KDC ): 4.326 tỉ đồng

Lượng tiền mặt mà Kido nắm giữa sau khi chi trả cổ tức với tỉ lệ 200% vẫn còn rất lớn, lên đến hơn 4.300 tỉ đồng. Làm gì với số tiền khủng này đang là chuyện đau đầu của Kido. Họ có thể sử dụng để tái đầu tư vào các ngành hàng mới như dầu ăn, mì gói. Cũng có thể dùng số tiền này đi mua các doanh nghiệp khác như từng làm với Vocarimex.

Trong 2016, nhà đầu tư vẫn tiếp tục trong chờ KDC sẽ dành một mức chi trả cổ tức bằng tiền cao cho các cổ đông công ty, nhất là các cổ đông đã gắn bó lâu năm với công ty và chứng kiến tỉ lệ cổ tức bằng tiền mặt khá khiêm tốn, chỉ khoảng 10%-20% trong các năm trước.

Tổng công ty khoan và dịch vụ khoan dầu khí ( PVD ): 3.216 tỉ đồng

PVD là công ty đầu ngành trong lĩnh vực khoan dầu khí tại Việt Nam. Kết quả kinh doanh khả quan trong các năm trước giúp công ty này tích tụ được một lượng tiền mặt đáng kể: 3.216 tỉ đồng. Bối cảnh ngành dầu khí đang gặp nhiều khó khăn vì giá dầu suy thoái có thể sẽ khiến doanh nghiệp này tạm thời trì hoãn phân chia lợi nhuận cho các cổ đông với quy mô lớn, đồng thời để đảm bảo được khả năng chống chịu các cú sốc trong các năm tới.

Tỉ lệ chi trả cổ tức bằng tiền của PVD trong năm 2015 chỉ 15%.

Tập đoàn FPT ( FPT ): 3.015 tỉ đồng

Với nền tảng kinh doanh đã đi vào thế ổn định cùng vị thế là công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, cổ phiếu FPT được các quỹ ngoại rất săn đón. Tỉ lệ chi trả cổ tức trong 2015 của FPT cũng khá, lên đến 20%. FPT vừa mới chi ra bộn tiền để thâu tóm một công ty công nghệ tại Slovakia và dự định sẽ tiếp tục sử dụng công cụ này trong các năm tới, nhất là tại các thị trường quan trọng như Mỹ với quy mô mua sắm mỗi năm vào khoảng 50 triệu USD (hơn 1.100 tỉ đồng).

 



 Tập đoàn Hòa Phát ( HPG ): 2.017 tỉ đồng

HPG là doanh nghiệp kinh doanh thép có thị phần lớn nhất Việt Nam. Năm 2015 là năm mà tập đoàn này kinh doanh khả quan nhờ thị trường bất động sản phục hồi. Mặc dù vậy, với tỉ lệ chi trả cổ tức bằng tiền trong 2015 chỉ 10%, nhà đầu tư đang trông chờ Hội đồng quản trị của HPG sẽ nâng tỉ lệ này lên cao hơn để giúp cho tính hấp dẫn của cổ phiếu HPG tăng lên.

Chứng khoán Sài Gòn ( SSI ): 1.959 tỉ đồng

SSI có một năm kinh doanh rất tốt khi tiếp tục bỏ xa các đổi thủ còn lại trong bảng xếp hàng các nhà môi giới hàng đầu Việt Nam. Lượng tiền mặt khá lớn, gần 2.000 tỉ đồng có thể sẽ khiến ban lãnh đạo công ty nghĩ đến phương án chi trả cổ tức bằng tiền trong năm nay thay vì chỉ bằng cổ phiếu như năm trước.

Bò sữa Vinamilk ( VNM ): 1.409 tỉ đồng

Lượng tiền mặt của VNM trong 4 quý trở lại đây biến động không nhiều và điều duy trì trên mức 1.200 tỉ. VNM là một trong những công ty trả cổ tức bằng tiền khá cao trên thị trường. Trong năm 2015, tỉ lệ trả cổ tức bằng tiền cho các cổ đông hiện hữu lên đến 60%. Ngoài ra Vinamilk cũng tích cực tìm kiếm các cơ hội M&A với nước ngoài trong các năm gần đây, điển hình là mua 19,3% cổ phần công ty sữa tại New Zealand, thâu tóm 70% cổ phần công ty sữa Driftwood Dairy của Mĩ, mở doanh nghiệp mới tại Ba Lan. Đầu năm 2015, đã có tin VNM có kế hoạch thâu tóm thêm một doanh nghiệp sữa tại Pháp để rộng đường tấn công vào Châu Âu.

Với lượng tiền mặt dồi dào, sức mạnh tài chính mạnh mẽ, cũng như duy trì sức tăng trưởng trong các năm tới khi nắm giữ vị trí số 1 tại thị trường sữa trong nước, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi công cụ M&A và thành lập các cơ sở hoạt động tại nước ngoài của VNM sẽ được sử dụng nhiều hơn.

Cơ điện lạnh REE : 1.357 tỉ đồng

Doanh thu năm nay của REE không đạt được như kế hoạch đặt ra và có thể chỉ đạt khoảng 900 tỉ nhưng đây là một kết quả khá khả quan khi đặt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, tỉ giá biến động quá nhiều cùng thủy điện có một năm “mất mùa”.

Mặc dù vậy, với lượng tiền mặt lên đến 1.357 tỉ đồng, REE có một nền tảng tài chính khá vững để chống chọi các sức ép. Năm 2015, REE đã thực hiện các đợt chia cổ tức bằng tiền với tỉ lệ tổng cộng 16% và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì mức này trong các năm tới.

REE cũng là một doanh nghiệp rất tích cực đi thâu tóm các công ty thủy điện, nhiệt điện, nước…Đây là những khoản đầu tư được đánh giá là dù mang lại lợi nhuận không đột biến nhưng bền vững vì nhu cầu ổn định.

Công ty đầu tư hạ tầng kĩ thuật TP.HCM ( CII ): 1.089 tỉ đồng

Sau nhiều năm tái cấu trúc, hiện tại tình hình kinh doanh của CII đã ổn định hơn khá nhiều nhờ mảng hạ tầng tiếp tục phát triển. CII trong năm qua cũng tích cực đi thâu tóm các doanh nghiệp bất động sản và phương cách này có thể sẽ được sử dụng trong các năm tới.

Trong 2015, CII là một trong những doanh nghiệp có tỉ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá cao so với thị giá, lên đến 30%.

 

Nam Thịnh

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015