Habeco, Sabeco có thể sớm về SCIC như Vinamilk

StockBiz- 13/06/2016

“Vừa rồi, SCIC đề nghị bàn giao Habeco, Sabeco về SCIC như với Vinamilk, trước đây Thủ tướng từng chỉ đạo tạm thời giao Bộ Công Thương đại diện chủ sở hữu tại hai doanh nghiệp này”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết.
 
Liên quan đến hoạt động cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại Tổng CTCP Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty Bia Rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), mới đây Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã liên tiếp gửi văn bản kiến nghị lên đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
 
Trong một công văn trả lời VAFI, Bộ Công Thương phản hồi rằng, Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết, để Sabeco được niêm yết thì cổ phần nhà nước phải dưới 80%/vốn điều lệ.
 
Trao đổi với báo chí ngày 8/6, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết vấn đề Sabeco đủ điều kiện niêm yết hay không sẽ được kiểm tra lại.
 
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất được ông Tiến nhấn mạnh là Nghị quyết 51 về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải niêm yết.
 
“Đã có 3 năm để các doanh nghiệp chuẩn bị, năm 2016 vấn đề lên sàn hay không lên sàn sẽ không còn là vấn đề mà bắt buộc các doanh nghiệp phải làm. Nếu có vướng mắc sẽ cùng Uỷ ban Chứng khoán xem xét và làm việc lại với Bộ Công Thương, chúng tôi cũng đã đôn đốc rồi”, ông Tiến cho hay.
 
Ông cũng không ngoại trừ khả năng cần xem xét lại người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này, nắm quyền chi phối nhưng không thực hiện đúng quy định.
 
“Với Habeco, Sabeco vừa rồi SCIC đề nghị bàn giao cho SCIC như với CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk. Trước đây Thủ tướng từng chỉ đạo tạm thời giao Bộ Công Thương đại diện chủ sở hữu tại 2 doanh nghiệp này nhưng tới đây theo mô hình cải cách hành chính, Sabeco và Habeco là 2 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ, bia rượu cũng không phải ngành nghề mà Bộ Công Thương phải quản lý. Chúng ta có thể bàn giao về SCIC, tách quản lý nhà nước để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường sẽ tốt hơn”, ông Tiến phân tích.
 
Hiện, Bộ Công Thương đang đại diện vốn nhà nước nắm giữ lần lượt gần 90% và 82% vốn điều lệ của Sabeco và Habeco mặc dù Sabeco và Habeco đã thực hiện cổ phần hóa hơn 8 năm.
 
Theo VAFI, mặc dù Sabeco thực hiện việc cổ phần hoá được 8 năm nhưng Sabeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết. Lý giải việc Sabeco cố tình trốn tránh niêm yết, không thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao phó, VAFI đặt ra một số giả thiết như những người quản lý tại Sabeco không thích sự minh bạch, do lợi ích cục bộ…
 
Thông tin thêm về vấn đề bàn giao doanh nghiệp về SCIC, cũng theo ông Tiến, khi Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập, các bộ ngành đã tiến hành bàn giao các doanh nghiệp. Đến thời điểm này, số lượng các Tập đoàn, Tổng công ty khi cổ phần hoá về SCIC còn khoảng 400-500 doanh nghiệp.
 
“Việc các Tập đoàn, Tổng công ty hay các doanh nghiệp lớn cổ phần hoá theo phương án cổ phần hoá Thủ tướng sẽ quyết định doanh nghiệp về SCIC khi nào, ở lại Bộ chủ quản khi nào và với lý do gì. Hàng năm SCIC lên danh mục gửi Bộ Tài chính, Thủ tướng chính phủ, đôn đốc doanh nghiệp”, ông Tiến cho biết thêm.
 
Dẫn chứng trường hợp Tổng công ty Nông nghiệp cổ phần hoá, ông Tiến cho biết trước mắt Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn thực hiện quyền sở hữu nhưng một số trường hợp quy định sau 2 năm phải bàn giao về SCIC như Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam.
 
 
 
NGUYỄN THẢO
 
 

Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015