6 cổ phiếu nên tích lũy trong tháng 5

StockBiz- 12/05/2016

Lời khuyên của Peter Lynch dành cho các nhà đầu tư cá nhân: điều cốt lõi để kiếm được tiền trong thị trường chứng khoán là bám lấy những gì mình biết rõ nhất.

“Don’t sell in May, or You will go away”

 “Hiện chưa phải lúc nghỉ ngơi trên sự phục hồi của các loại tài sản có tính rủi ro cao, bao gồm sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng hoá, cổ phiếu của các thị trường đang nổi, các trái phiếu lợi suất cao được bán hết và trở nên khan hiếm” – Steve Brice, trưởng nhóm nghiên cứu chiến lược đầu tư, bộ phận Quản lý tài sản, Standard Chartered.

Đúng vậy, năm 2016 sẽ không phải là một năm suy thoái khi Thủ tướng nhiêm kỳ mới khẳng định GDP phải tăng trưởng 6,7% trong năm nay, tức phải đạt tăng trưởng 7,0% trong 3 quý tới – một con số dự báo ấn tượng khiến các nhà đầu tư lạc quan hơn. Từ đó, cho thấy tháng 5 không quá xấu như truyền thống khi xưa của người Mỹ “ Bán trong tháng 5 và đi chơi” mà thực sự ngược lai khi các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển vốn đầu tư vào các cổ phiếu vốn hoá lớn trong VN30 ( ngoại trừ VIC ) trong 3 tuần liên tiếp gần nhất dựa trên sự kiện lần đầu tiên Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam cuối tháng 5 này, đánh dấu Tổng thống Mỹ thứ ba liên tiếp thăm Việt Nam. Các nhà phân tích đánh giá chuyến thăm của ông Obama sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hợp tác của Việt Nam và Mỹ, giúp thắt chặt quan hệ song phương giữa hai quốc gia trong khi các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán gọi chuyến thăm này là “ Obama wave – Sóng Obama” đã giúp tâm lý đầu tư tự tin hơn.

Tháng 5 còn được củng cố bởi số liệu tăng trưởng 9-tháng liên tiếp của chì số Nikkei Manufacturing PMI đạt 52,3 điểm (so với sự suy yếu chỉ số này tại các nước khác – Chart 4) nhờ sự cái thiện sản lượng, đơn hàng mới, hợp đồng xuất khẩu tăng trong tháng 4 sẽ làm nền tảng vững chắc cho những tháng tới. Chỉ báo quan trọng khác của chỉ số PMI là số lượng đơn hàng mới trừ cho hàng tồn kho vẫn duy trừ chênh lệch cao ( Chart 3). Điều này cho thấy Việt Nam tăng trưởng nhờ dòng vốn đầu tư gián tiếp (FDI) tăng trong khi thương mại toàn cầu suy yếu. Vốn FDI giải ngân vào khu vực sản xuất đạt 3,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ.

 


 Dựa trên phân tích trên, các cổ phiếu được lựa chọn trong tháng 5 được lựa chọn một cách cẩn thận dựa vào thời điểm, chu kỳ ngành, sở thích thị trường và từng chủ đề, cụ thể:

BHS – Định giá rẻ cùng với nhiều câu chuyên phía trước – Giá mục tiêu 22.000

Rất nhiều yếu tố về mặt cơ bản của ngành Đường và bản thân công ty đầy thuyết phục đưa đến thời điểm trong tháng 5 thuận lợi để đầu tư vào cổ phiếu dẫn đầu ngành Đường dựa trên chiến lược trong dài hạn của Tập đoàn Thành Thành Công với bước 1 sát nhập các công ty đường trong nước nhằm tăng tính minh bạch, giảm thiểu mua bán trung gian giữa các công ty đường và chiếm lĩnh thị phần trong nước.

El Nino cực đại trong lịch sử (2015-2016) đang giúp ngành đường phục hồi trong ngắn hạn. Lần đầu tiên sau 5 năm, mức chênh lệch cung – cầu theo dự báo của USDS, FAO trong niêm độ 2015-16 và 2016-17 sẽ giảm xuống mức âm. Điều này sẽ kéo theo giá đường thế giới tăng trở lại trong giai đoạn này. Theo khảo sát của Bloomberg, giá đường thường tăng mạnh với độ trễ sau các điểm cực đại về El Nino dưới 1 năm.

 


 Tại Việt Nam, sản lượng đường sản xuất trong nước đạt khoảng 1,4-1,6 triệu tấn/năm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu tiêu thụ trong nước theo cơ cấu 15,3% tiêu dùng trực tiếp bởi các hộ gia đình, 84,7% tiêu thụ gián tiếp qua các ngành công nghiệp chế biến. Ngành mía đường hiện nay vẫn được bảo hộ thông qua hạn ngạch (quota) và thuế quan ( Thuế trong hạn ngạch – được phép nhập khẩu 5%, ngoài hạn ngạch 80-100%) cho đến 2018 nên giá đường trong nước phụ thuộc vào những công ty đầu ngành như SBT , BHS ( vừa sát nhập NHS ) , LSS và diễn biến giá đường thế giới.

Đường Biên Hoà ( BHS - 18.500) là công ty Đường có thương hiệu dẫn đầu và hệ thống phân phối lớn nhất Việt Nam. Sau khi sát nhập bằng cách hoán đổi cổ phiếu với Đường Ninh Hoà ( NHS ) thì công ty này sẽ tận dùng vùng nguyên liệu 18.800ha tạo nên chuỗi giá trị khép kín từ trồng trọt, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng.

BHS đặt mục tiêu năm tài chính 2015-2016 ( bắt đầu từ 1/7 đến 30/6) tăng trưởng doanh thu 5,1% đạt 3.125 tỷ, lợi nhuận tăng 62,7% đạt 205 tỷ, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phần 1.266đ, dự kiến chia cổ tức 1.000đ/cp năm 2016, tương đương lợi tức bằng tiền 5,2%. Tại mức giá hiện tại 19.200đ, BHS giao dịch tại P/E 2016 15,6 lần.

Những ai theo dõi cách giao dịch của cổ phiếu BHS trong những phiên giao dịch gần đây đều không khỏi ngỡ ngàng khi kết quả kinh doanh quý 3/2016 ( niên vụ 2015-2016) tăng trưởng 60,91% so với cùng kỳ nhưng giá cổ phiếu BHS giảm đến -7% kể từ khi tin ra. Điều này được lí giải bằng: (i) áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài gần đây khiến bên mua duy trì mức giá thấp, (ii) Thanh khoản "được" duy trì trung bình 5 triệu cổ phiếu/phiên # 4,5tr usd – đủ điều kiện thanh khoản của ETFs.

Chiến lược M&A: Nằm trong bước 1 của chiến lược dài hạn của Thành Thành Công - sát nhập các công ty Đường trong nước, SBT BHS đang là mục tiêu tiếp theo của thương vụ M&A này. So sánh tương quan giữa Doanh số, lợi nhuận, định giá P/E, P/B thì tỷ lệ sát nhập 1:1 hoàn toàn khả thi.

Cổ phiếu BHS được ưu thích đầu tư trong tháng 5 này dựa trên: (i) tín hiệu kỹ thuật cho thấy vùng giá hỗ trợ mạnh BHS tại 18.200, (ii) Áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài giảm dần vào nữa cuối tháng 5, (iii) nhiều chỉ báo cho thấy khả năng BHS có thể vào hai quỹ ETFs trong đợt review tháng 6 này ( ngoại trừ yếu tố vốn hoá đang chưa đạt) và (iv) tiềm năng lớn từ thương vụ M&A giữa SBT trong năm nay.

VNM – The last dance – Giá mục tiêu 177.000

Vinamilk là câu chuyện thần kỳ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5 năm qua, đem lại tăng trưởng lợi nhuận gấp 5 lần (sau chia thưởng cổ phiếu, cổ tức..) trong khoảng thời gian này cho các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nắm giữ cổ phiếu dài hạn.

Trong các báo cáo tư vấn đầu tư, VNM liên tục được đưa vào vào một trong những cổ phiếu nên mua: Tháng 8/2015, Tháng 11/2015, Tháng 4/2016 với giá mục tiêu gần nhất 145.000 và đây là lần cuối cùng VNM được chọn để mua trong tháng (5/2016) trước khi sự kiện nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài được hiện thực hoá trong năm nay bằng sự thông qua của Đại hội cổ đông ngày 21/5 và mức chia cổ tức cao nhất trong lịch sử: 60% bằng tiền mặt cho năm 2015 (đã ứng 40%) và tạm ứng cổ tức đợt 1/2016 tỷ lệ 40%. Đồng thời dự kiến chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% trong quý 3/2016.

Các nhà đầu tư nước ngoài, theo chuỗi giá trị và đầu tư tài chính ưa thích ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như sữa do nhu cầu tiêu thụ sữa của Việt Nam còn thấp so với thế giới va khu vực. Theo dự báo của VDA (Vietnam Dairy Association) tiêu thụ sữa trên đầu người sẽ nâng gấp đôi lên 28 lít/người vào năm 2020 từ mức 15 lít/người trong năm 2015.

Tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2016 38,6% nhờ: (i) giá bột sữa nguyên kem ( WMP) và bột sữa tách béo (SMP) giảm lần lượt -24% và -18% so với cùng kỳ; -2% và -11% kể từ đầu năm đến nay; (ii) Nhu cầu tieu dùng trong nước tăng trưởng 18% chíếm 80% doanh thu, doanh số xuất khẩu cũng tăng trưởng 20,6% chiếm 20% doanh thu giúp tổng thi phần sữa nước và sữa bột của VNM tăng trưởng lần lượt +2% và +1% trong quý 1.2016.

VNM vừa khánh thành nhà máy mới với công suất sữa nước gấp đôi và sữa bột gấp 4 lần trị giá 210 triệu USD để chuẩn bị cho giai doạn tăng trưởng tiếp theo với mục tiêu đưa trở thành một trong 50 doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu thế giới ( hiện tại đang ở vị trí 53) với số số 3 tỷ USD vào năm 2017.

Theo định giá, VNM đang giao dịch so với P/E 2016 và 2017 ước tính là 16,3x và 14,5x theo số liệu của Credit Sussie , thấp hơn P/E của các công ty sữa trong khu vực Châu Á là 28,6 lần. Định giá này có thể là một trong những tham chiếu khi nhà đầu tư nước ngoài theo chuỗi nâng tỷ lệ nắm giữ VNM khi tỷ lệ sở hữu nâng dần lên đưa đến mức giá dự báo cổ phiếu VNM sẽ giao dịch tại PE 26 lần, tương đương chiết khấu 10% so với trung bình P/E khu vực.

 


PHR – Đầu tư theo xu hướng giá hàng hoá hồi phục ( Mark Mobius- Franklin Templeton Investment) – Giá mục tiêu 23.200

Nhà quản lý quỹ đầu tư lớn nhất thế giới Franklin Templeton Investment đang bắt đầu mua vào cổ phiếu hàng hoá tại Trung Quốc với dự báo rằng thị trường nguyên liệu thô chỉ mới bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm quá xa và sự hồi phục này sẽ đến rất mạnh ( theo cuộc phỏng vấn bằng email ngày 4/5 của Bloomberg)

Chỉ số đo lường Bloomberg Commodity Index ( BCI ), đo lường biến động của 22 loại hàng hoá nguyên liệu thô đã bật tăng trở lại từ mức thấp nhất năm 1991, tăng 6,5% kể từ đầu năm đến nay. Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số CSI 300 Index đo lường các nhà sản xuất nguyên liệu thô chạy mạnh đến 27% từ đáy thấp nhất tháng 1 đến đỉnh giữa tháng 4 trước khi giảm nhẹ 5% sau đó. Quan sát kỹ hơn, giá Thép và giá Trứng tại thị trường đông dân số 1 này đã tăng trưởng lần lượt 38% và 27% trong quý đầu tiên của năm 2016 so với sự suy giảm -15% của chỉ số Shanghai Composite Index. Điều này đến từ nhà đầu tư dự báo dấu hiệu hồi phục của bất động sản của Trung Quốc khi chính phủ tin rằng thị trường nhà ở sẽ tăng trưởng trở lại và Mark Mobius cũng đưa ra dự báo giá dầu sẽ tăng đến $60/thùng trong tháng 5 này.

 


Xu hướng hồi phục giá hàng hoá cơ bản này sẽ không đến lập tức nhưng sẽ bền vững cho thấy đây là một cơ hội tốt cho các cổ phiếu liên quan đến thế mạnh Việt Nam: Cây cao su.

Theo Bangkok Post, trong 4 tháng qua tại Thailand sản lượng mủ cao sủ giảm 60% và sản lượng cao su tấm xông khói giảm 70% bởi hạn hán và hoản hoạn. Điều này làm giá cao su tại Thailand tăng lên 39.600đ/kg gấp đôi so với thời điểm thấp nhất tại Việt Nam là 19.200đ và theo dự báo của Chủ tịch liên đoàn hợp tác xã người trồng cao su Thailand, ông Pairat Joeychum giá mủ cao su sẽ có thể tăng thêm 12,8% lên 44,700đ/kg. Giá cao su trên thị trường giao dịch thế giới đã phục hồi 16% kể từ đầu tháng 4 đến nay cùng đà tăng của chỉ số Bloomberg Commodity Index.

PHR là công ty sản xuất mủ cao su có vốn hoá lớn thứ hai sau DPR , nhưng có vùng nguyên liệu lớn nhất hơn 9.087 ha ( so với 7,225 ha của DPR ) đang giao dịch tại P/E 2015 7,2 lần và P/E 2016 theo kế hoạch là 15,7 lần do Ban quản trị của PHR lo ngại giá cao su vẫn ở mức thấp dựa trên thời điểm đặt kế hoạch đầu năm nay, nơi mà chưa thấy có dấu hiệu hồi phục của tất cả các loại hàng hoá khác vốn xảy ra trong tháng giữa tháng 3 vừa qua.

Dựa trên các dự báo về xu hướng giá cao su và sự hành động của những nhà đầu tư lớn, cổ phiếu ngành cao su – PHR nên được tích lũy với giá mục tiêu 3 tháng tới là 23,200, tương đương P/E 9 lần thu nhập mỗi cổ phiếu năm 2015. Số liệu này không nhiều ý nghĩa bằng việc quan sát giá cao su trên thị trường thế giới và Thailand vốn đã tăng 16% kể từ đầu tháng 4 đến nay

EVE – Thông tin sai lệch từ báo chí đã là điểm vào cho dòng tiền mới – Giá mục tiêu 58.000

EVE lần thứ hai trong năm được đưa vào danh sách những cổ phiếu được mua trong tháng (lần 1 ngày 8/3 – Gía mục tiêu 49.000) do những bước tiến mới của công ty này về mặt cơ bản, chính sách cổ tức cao và tăng trưởng trong những năm tới nhờ sự phát triển của bất động sản, tiêu dùng.

EVE là công ty thứ 2 ( sau SSI) trên thị trường chứng khoán Việt Nam được tăng tỷ lệ sỡ hữu nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa kể từ 2/2016 và khả năng trở thành công ty đầu tiên niêm yết song song tại hai thị trường chứng Việt Nam và Hàn Quốc. Những nhà đầu tư lâu dài trên thị trường vẫn còn nhớ câu chuyện VNM dự định phát hành 5% vốn điều lệ vào năm 2008 để niêm yết tại thị trường Singapore hay FPT và gần nhất là FLC đều có ý định niêm yết tại sàn ngoại đều đã không thành công, Theo trao đổi với ban lãnh đạo và quan sát cơ cấu cổ đông, EVE đang có cổ đông lớn là Woori Investment & Securities Co., Ltd đứng thứ 7 trên 63 công ty chứng khoán ở Hàn Quốc chiếm 7,65% có thể là cầu nối cho việc niêm yết song song tại hai thị trường này.

Câu chuyện niêm yết tại Hàn Quốc có thể sẽ cần nhiều thời gian ( theo năm) để đạt mục tiêu do cần tuân thủ điều kiện niêm yết của thị trường Hàn Quốc như luật kế toán, luật công bố thông tin.. nhưng rõ ràng đây là một câu chuyện mới, thú vị dành cho các nhà đầu tư thích việc định giá lại cổ phiếu khi việc này xảy ra. Về mặt kỷ thuật, để thực hiện việc này, công ty niêm yết sẽ phải: (i) phát hành thêm phần vốn để niêm yết, hay (ii) phát hành KDR ( Korean Depositary Receipts) để niêm yết tại thị trường Hàn Quốc.

* KDR là công cụ tài chính thiết kế để niêm yết các công ty nước ngoài tại thị trường Hàn Quốc, tương tư như ADR ( American depositary receipt), EDR ( European Depositary Receipt).. KDR hoạt động như là một cổ phiếu được đóng gói lại theo đồng nội tệ Hàn Quốc dựa trên giá trị tài sản cơ sở của tài sản tham chiếu là cổ phiếu nước ngoài ( trường hợp này là VND ). Các nhà đầu tư tại thị trường nước ngoài có thể mua KDR của một công ty đang niêm yết chính tại Việt Nam trên sàn Hàn Quốc mà không phài mua trực tiếp tại sàn giao dịch Việt Nam.

Về mặt cơ bản công ty, EVE được hưởng lợi bởi xu hướng tăng trưởng bất động sản trong nước và xuất khẩu. Dựa trên số liệu tăng trưởng quá khứ, các nhà phân tích đánh giá EVE sẽ đạt ít nhất bằng mức kế hoạch lợi nhuận 2016, tương đương EPS 2016 5.090đ/cp, tại mức giá hiện tại 47.800, EVE đang giao dịch tại P/E 9,3 lần. Tăng trưởng trong 5 năm tới đến 2020, lợi nhuận sẽ tăng trưởng gấp đôi theo báo cáo chiến lược của công ty này tại Đại hội đồng cổ đông ngày 15/4.

Cổ phiếu EVE được ưu thích tại thời điểm này nhờ đặc điểm: (i) dẫn đầu ngành hàng tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng hai chữ số cùng với sự phát triển của bất động sản trong nước, (ii) Chính sách cổ tức cao – trung bình 50% lợi nhuận sau thuế kể từ 2016, và (iii) Giá mục tiêu 58.000đ/cp trong năm nay tương đương P/E trung bình ngành 11,46 lần ( theo số liệu của SSI Research)

Thông tin thêm về cổ tức: EVE dự kiến chia thưởng 20% bằng tiền mặt ngày 30/5 và 50% bằng cổ phiếu vẫn thực thi nhưng thời điểm tuỳ thuộc vào tiến trình chấp thuận của UBCK.

BVH – Dòng tiền từ Pnotes dự báo nới room cho ngành bảo hiểm – Giá mục tiêu 75.000

Cổ phiếu BVH được ưu thích tại thời điểm này dựa trên sự giao thao của nhiều yếu tố:

(i) Nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng đầu tư vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn (VN30) do dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn trước nhiệm kỳ của Bộ máy chính phủ mới và chuyến viếng thăm lần đầu tiên của Tổng thống Obama cuối tháng 5 này sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong thương mại giữa hai nước.

(ii) Dòng tiền khác của nhà đầu tư nước ngoài thông qua Pnotes, đầu tư vào ngành Bảo hiểm một cách rõ rệt trong suốt 1 tháng qua với giá trị mua ròng 150 tỷ, # 2,7tr cổ phiếu với dự báo ngành bảo hiểm sẽ được mở room 100% theo phát biểu của Bộ Trưởng Tài Chính Đinh Tiến Dũng tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Mỹ năm ngoái: “Hướng dẫn của Nghị định 60 sẽ rất nhanh, chúng tôi sẽ làm trong vòng tháng 7. Không những các công ty niêm yết, kể cả các công ty bảo hiểm cũng sẽ được nới room đến 100%.”

(iii) Thông tin không chính thức, ngành bảo hiểm sẽ từng bước nâng room lên 65% từ 49% hiện tại ( bước 1) phù hợp với lộ trình tăng vốn 400-600 tỷ của BVH dành cho nhà đầu tư chiến lược. Hiện tại, Sumitomo Life nắm giữ 18% cổ phần BVH , SCIC giữ 3,3% cổ phần BVH và nếu SCIC muốn thoái vốn, tổng số cổ phiếu này bao gồm phát hành thêm có thể từ 7-11%, đủ hấp dẫn cho nhà đầu tư chiến lược mới.

(iv) Là cổ phiếu có vốn hoá lớn thứ 8 của Việt Nam, chiếm 3,3% tỷ trọng VNIndex, giá cổ phiếu BVH biến động không phụ thuộc vào yếu tố căn bản mà được các rổ chỉ số ưa chuộng, kỳ vọng về đối tác chiến lược hay được phép tăng tỷ lệ sỡ hữu nhà đầu tư nước ngoài sẽ là động lực chính khiến giá cổ phiếu tăng mạnh trong ngắn hạn.

(v) Về mặt định giá các nhà phân tích đánh giá kém khả quan với BVH do kết quả kinh doanh 2015 tăng trưởng lợi nhuận trước thuế âm 10,6% nhưng kết quả kinh doanh quý 1/2016 cho thấy tập đoàn này đã đạt lại tăng trưởng 17,2% doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 387 tỷ hoàn thành 32,5% kế hoạch năm nhờ đóng góp tăng trưởng đến 29,7% doanh thu phí bảo hiểm Bảo Việt.

(vi) Giá mục tiêu: 75.000đ/cp dựa trên dự báo các nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A thường trả mức giá P/B 2,5-4 lần cho các cổ phiếu thuộc ngành bảo hiểm như hai thương vụ gần nhất là: (i) Bảo hiểm Dongbu Hàn Quốc mua 30 triệu cổ phần của PTI trị giá 1.077 tỷ và (ii) FairFax Asia Limited Canada mua 41 triệu cổ phần của BIC tương đương 35% cổ phần. BVH đang giao dịch tại P/B 3 lần với giá trị sổ sách là 19.390.

Buy What You Know

Lời khuyên của Peter Lynch dành cho các nhà đầu tư cá nhân: điều cốt lõi để kiếm được tiền trong thị trường chứng khoán là bám lấy những gì mình biết rõ nhất. Thay vì đầu tư vào những công ty công nghệ cao mà bạn tình cờ đọc được trên báo chí hay nghe được từ lời mách nước trong buối chuyện trò hay thậm chí từ những nhà môi giới chứng khoán, thì hãy không ngừng tìm kiếm xung quanh những chuyển động có tính xu hướng (như hiện tượng uber, grab làm tăng doanh số bán xe hơi) hay con cái bạn đang ưa chuộng loại đồ chơi nào nhất. Tất cả những bằng chứng hay dấu hiệu đó sẽ dẫn đến túi mười gang trong thị trường chứng khoán.



Nguyễn Ngọc Thạch

Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.


 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015