Cổ đông lớn Techcombank “chạy trần” sở hữu

StockBiz- 02/12/2015

 Hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) buộc phải bán cổ phần để giảm tỷ lệ nắm giữ, tuân thủ giới hạn sở hữu theo quy định.

Trong thời gian từ 30/11 đến 11/12, các cổ đông nội bộ và tổ chức liên quan đã đăng ký bán tổng cộng 90.777.698 cổ phiếu, chiếm gần 10,3% vốn điều lệ Techcombank. Do cổ phiếu Techcombank chưa niêm yết nên các cổ đông sẽ giao dịch thoả thuận.

Giảm sở hữu vượt trần

Với cơ cấu cổ đông “cô đặc” ở nhóm các gia đình quyền lực – ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Thiều Quang,… bất cứ động thái rút vốn nào từ nhóm này đều lập tức gây xôn xao dư luận.

Đáng chú ý, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank, đăng ký bán 9.530.700 cổ phiếu (tỷ lệ 1,0735% vốn), vợ ông Hùng Anh – bà Nguyễn Thị Thanh Thủy bán 27.689.657 cổ phiếu (tỷ lệ 3,1189%), em trai Hồ Anh Ngọc bán 8.883.268 cổ phiếu (tỷ lệ 1%). Tổ chức liên quan- công ty TNHH dịch vụ đầu tư tài chính AT&M bán toàn bộ 9.535.866 cổ phiếu (tỷ lệ 1,0738% vốn). Tổng lượng bán ra của nhóm này là 55.639.491 cổ phiếu, chiếm gần 6,27% vốn điều lệ.

Nhóm cổ đông Nguyễn Thiều Quang, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank, đăng ký bán tổng số 25.438.304 cổ phiếu, chiếm 2,68% vốn ngân hàng, để giảm sở hữu nhóm xuống 0,21%. Trong đó, ông Nguyễn Thiều Quang đăng ký bán 8.501.149 cổ phiếu, vợ ông Quang- bà Phùng Minh Nguyệt bán 3.225.596 cổ phiếu, em trai Nguyễn Thiều Nam bán toàn bộ 13.711.559 cổ phiếu…

Vợ chồng cổ đông Nguyễn Đăng Quang – Thành viên HĐQT – cũng đăng ký bán tổng số 9.699.279 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 1,092%. Sau giao dịch, ông Quang chỉ còn nắm 100.000 cổ phiếu, còn bà Yến không còn cổ phiếu tại đây.

Như vậy, 8 cá nhân và 1 tổ chức liên quan sẽ bán lượng tài sản có giá trị gần 900 tỷ đồng (tính theo mệnh giá 10.000 đồng/CP). Tuy nhiên, do giá cổ phiếu Techcombank sụt giảm mạnh trên thị trường thời gian qua, hiện chỉ giao dịch quanh mức 9.400 đồng/CP. Chưa rõ, khi giao dịch thoả thuận, các cổ đông này sẽ chốt được mức giá bán là bao nhiêu?

Trong thông báo này, các cổ đông cá nhân hiện không sở hữu vượt trần 5% vốn điều lệ Techcombank. Nhưng, được biết, cổ đông tổ chức là công ty CP Tập đoàn Masan vẫn nắm 19,5% vốn ngân hàng, vượt trần sở hữu. Do đó, các cổ đông cá nhân phải thực hiện giảm sở hữu để đảm bảo nhóm cổ đông nội bộ và bên liên quan có sở hữu không quá 20% vốn.

Cổ đông tuân thủ sở hữu

Trước động thái bán cổ phần ồ ạt với khối lượng lên tới 10% vốn điều lệ này, phía Ngân hàng Techcombank đã lập tức lên tiếng, trấn an tâm lý cổ đông, nhà đầu tư.

Ông Đỗ Tuấn Anh – Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank, cho biết, nhóm các cá nhân và tổ chức này nắm tổng cộng 95.210.221 cổ phiếu, chiếm 10,72% vốn điều lệ. Để thực hiện giảm sở hữu, các cá nhân này đăng ký bán ra 90.774.698 cổ phiếu Techcombank và giữ lại 4.435.523 cổ phiếu.

Các thành viên gia đình của lãnh đạo chủ chốt cũng đăng ký bán ra cổ phiếu cùng đợt. Sau giao dịch, ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT chỉ còn nắm 2,4 triệu đơn vị (0,27% vốn), ông Nguyễn Thiều Quang cùng vợ chỉ còn nắm giữ 1,83 triệu cổ phiếu, ông Nguyễn Đăng Quang còn nắm giữ 100.000 cổ phiếu.

Ông Đỗ Tuấn Anh khẳng định: “Đây là giao dịch thông thường theo hướng dẫn_của NHNN để đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần tại Techcombank và_hoàn toàn không có ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường của Ngân hàng”.

Đồng thời, việc chuyển nhượng cổ phiếu này cũng không ảnh hưởng đến cơ cấu HĐQT và Ban lãnh đạo của Techcombank. Vì mục đích của việc chuyển nhượng là để đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của những cổ đông này và nhóm các cổ đông có liên quan không vượt giới hạn 20% theo Luật các TCTD năm 2010.

Theo quy định, nhóm cổ đông và người có liên quan không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng, một cá nhân sở hữu tối đa 5% và một tổ chức nắm tối đa 15%.

Hồi tháng 7/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái quyết liệt khi ban hành Thông tư số 06 yêu cầu nhóm cổ đông vượt trần sở hữu buộc phải giảm tỷ lệ trước ngày 31/12/2015, trừ các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo Phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt._

Quá thời hạn này, nhóm cổ đông vẫn chây ỳ không giảm tỷ lệ sở hữu thì NHNN sẽ không chấp thuận nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT, Ban kiểm soát, bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của ngân hàng. Hơn nữa, các TCTD cũng bị cấm cấp tín dụng hoặc cắt tín dụng đối với cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan vi phạm trần sở hữu…

Tiếp sau đợt thoái vốn của cổ đông cá nhân, liệu một số cổ đông tổ chức lớn như Masan (nắm 19,5%), Ngân hàng HSBC Việt Nam (hơn 19%) có thực hiện bán bớt cổ phần tại đây?

Và các nhà đầu tư, cổ đông nào sẽ mua vào cổ phiếu từ nhóm cổ đông lớn này, cơ cấu cổ đông sẽ biến động ra sao tại Techcombank… hiện vẫn còn chưa hé lộ.
 

Thu Hằng

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015