Khung pháp lý cho TTCK phái sinh

StockBiz- 19/06/2015

Ngày 11-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh. Và kể từ năm 2017 trở đi sẽ vận hành thị trường giao dịch CK phái sinh do Sở Giao dịch CK Việt Nam tổ chức quản lý. Ngày 5-5-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về CK phái sinh và TTCK phái sinh. Mục đích của giao dịch CK phái sinh là phòng ngừa rủi ro (hedging), đầu cơ (speculating), kinh doanh chênh lệch giá (arbitraging). Điều này cho thấy Chính phủ đang hướng đến TTCK phát triển chuyên nghiệp, bài bản hơn theo thông lệ quốc tế.

Yêu cầu từ thực tiễn

Trên thực tế, tại Việt Nam các sản phẩm phái sinh đã xuất hiện trên thị trường cách đây hơn 10 năm nhưng nghiệp vụ này hiện tại vẫn chưa phát triển mạnh. Chẳng hạn giao dịch kỳ hạn xuất hiện với tư cách là công cụ tài chính phái sinh đầu tiên ở Việt Nam theo Quyết định  65/1999/QĐ-NHNN ngày 25-2-1999.

Giao dịch hoán đổi cũng xuất hiện khá sớm theo Quyết định 430/QĐ-NHNN ngày 24-12-1997 và sau này là Quyết định 893/2001/QĐ-NHNN ngày 17-7-2001 của Thống đốc NHNN. Như vậy Việt Nam hiện đã có các sản phẩm phái sinh tiền tệ, phái sinh hàng hóa thực hiện trên các sở giao dịch hàng hóa, nhưng chưa có TTCK phái sinh mặc dù Luật CK đã có các quy định về loại hình CK này.

Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã tự ý triển khai các sản phẩm phái sinh, cụ thể như: hợp đồng quyền chọn dựa trên CP giao dịch trên thị trường chưa niêm yết (OTC); giao dịch hợp đồng tương lai vàng trên thị trường quốc tế; sản phẩm hợp đồng hợp tác đầu tư với nhiều đặc điểm cơ bản tương tự như hợp đồng quyền chọn, do CTCK triển khai.

Thực chất, đây là các sản phẩm phái sinh, nhưng do pháp luật về CK chưa có cơ chế cho phép thực hiện, nên các giao dịch này được giao kết dưới hình thức thỏa thuận dân sự theo kiểu lách luật...

Do vậy, trong quá trình quản lý, giám sát, cơ quan quản lý đã phát hiện các biểu hiện này và có văn bản yêu cầu các CTCK ngừng việc giao dịch. Tuy nhiên, điều này phản ánh một thực tế khách quan là nhu cầu của thị trường, nhu cầu của các NĐT trong việc đa dạng hóa các loại sản phẩm đầu tư. Thực tế này đòi hỏi phải xây dựng hệ thống quy định pháp lý để quản lý các giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro này.

Từ thực tiễn trên, việc phát triển TTCK phái sinh là nhu cầu thiết yếu giúp đa dạng hóa sản phẩm trên TTCK, mở ra một lớp sản phẩm CK mới để phòng ngừa rủi ro; có thêm các công cụ giúp NĐT phòng ngừa rủi ro khi giá CK biến động, củng cố lòng tin cho thị trường; giúp các tổ chức, cá nhân yên tâm hơn khi đầu tư vào TTCK.

Điều này không chỉ giúp thị trường tài chính phát triển thông qua việc gia tăng số lượng NĐT, gia tăng nguồn vốn đầu tư trên thị trường, mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng phát hành CK, huy động vốn tốt hơn cho đầu tư. Quan trọng hơn, đưa TTCK trở thành một công cụ hỗ trợ quản lý rủi ro cho nền kinh tế.

Định rõ cơ chế

Khi khung pháp lý cho TTCK phái sinh hoạt động vừa chính thức định hình, Chính phủ ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, giúp TTCK phát triển theo chiều sâu. Theo đó, trước mắt sẽ đưa vào giao dịch các CK phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết; các sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng như hợp đồng tương lai chỉ số, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục CP; hợp đồng tương lai trái phiếu, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu.

Nếu như TTCK cơ sở (thị trường hiện tại) giúp NĐT  kiếm lợi nhuận, TTCK phái sinh với chức năng chính là phòng ngừa rủi ro sẽ hỗ trợ NĐT bảo vệ những lợi nhuận đã kiếm được. Tuy nhiên, CK phái sinh dù được sử dụng để phòng ngừa rủi ro, nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn rủi ro nếu NĐT không quản lý tốt các hoạt động đầu tư.

Do đó, để giảm thiểu rủi ro, các thành viên tham gia thị trường, nhất là các đơn vị trung gian cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho thị trường như CTCK phải đáp ứng các chuẩn rất cao về vốn, công nghệ, quản trị rủi ro, đội ngũ nhân sự...

Theo Quyết định 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2015 sẽ tập trung xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện hạ tầng công nghệ giao dịch, thanh toán bù trừ CK phái sinh… để giai đoạn 2016 - 2020 đưa TTCK phái sinh vào vận hành. Để đưa TTCK phái sinh vào vận hành, một khối lượng công việc rất lớn đang đặt ra: xây dựng hệ thống công nghệ giao dịch, thanh toán, bù trừ; đào tạo nhân sự; xây dựng hệ thống quy trình, quy chế, đảm bảo vận hành TTCK phái sinh hiệu quả trong thời gian tới.

Là thị trường đi sau, yêu cầu rất quan trọng đặt ra đối với tổ chức vận hành TTCK phái sinh tại Việt Nam là không lặp lại những bài học thất bại trong quản lý TTCK phái sinh đã từng xảy ra ở các quốc gia.

Kinh nghiệm phát triển các sản phẩm phái sinh của các nước trên thế giới, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, vấn đề quản trị rủi ro được các thị trường quan tâm hàng đầu. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã ban hành và áp dụng đạo luật Dodd-Frank; châu Âu ban hành quy định về cấu trúc thị trường, nhằm đưa vào quản lý các sản phẩm phái sinh OTC, có hiệu lực kể từ 15-8-2014.

Các quốc gia phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đã và đang tái cấu trúc thị trường phái sinh với trọng tâm là tăng cường cơ chế phòng ngừa rủi ro, từng bước chuẩn hóa các sản phẩm phái sinh OTC để đưa vào niêm yết... Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự yếu kém trong khâu thanh toán bù trừ đã kéo theo nhiều vụ sụp đổ toàn thị trường như đã từng xảy ra với Sở Giao dịch CK Moscow vào năm 1994, Sở Giao dịch CK Thượng Hải vào năm 1995.

Đây là điều Việt Nam cần lưu ý trong quá trình xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ, để sẵn sàng mở cửa TTCK phái sinh trong thời gian tới theo các quy định tại Nghị định về TTCK phái sinh, Quyết định 366 và các quy định pháp lý liên quan.

 

Sẵn sàng triển khai

 

Hiện UBCKNN và các sở giao dịch CK đang nỗ lực rà soát hạ tầng công nghệ thông tin, cơ bản hạ tầng hệ thống giao dịch đã có thể sử dụng được cho giao dịch CK phái sinh, có một phần cần nâng cấp nhưng không nhiều. Việc giao dịch, khớp lệnh đều được thực hiện như CK cơ sở.

 

Về tổ chức kinh doanh CK phái sinh: Nghị định 42 đặt ra điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh CK phái sinh đối với các tổ chức kinh doanh CK, bao gồm: Có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh CK theo quy định tại Luật CK. Đáp ứng các điều kiện tài chính như vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh CK phái sinh; đối với hoạt động môi giới CK phái sinh là 800 tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh CK phái sinh; đối với hoạt động tư vấn đầu tư CK phái sinh, vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật về CK. Tổ chức kinh doanh CK còn phải đáp ứng các yêu cầu về lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng, quy trình nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

 

Về tổ chức thị trường giao dịch CK phái sinh: Giao dịch trên thị trường CK phái sinh bao gồm hợp đồng tương lai; hợp đồng quyền chọn niêm yết; hợp đồng kỳ hạn dựa trên tài sản cơ sở là CK giao dịch trên sở giao dịch, các CK phái sinh niêm yết và giao dịch thỏa thuận khác cũng dựa trên tài sản cơ sở là CK giao dịch trên sở giao dịch. Ngoài sở giao dịch CK, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch CK phái sinh niêm yết.

 

Về bù trừ, thanh toán CK phái sinh: Trung tâm lưu ký CK Việt Nam là đơn vị duy nhất đảm nhiệm chức năng thanh toán, bù trừ cho các giao dịch CK phái sinh trên  TTCK phái sinh. CTCK và ngân hàng thương mại có thể đăng ký làm thành viên bù trừ của Trung tâm lưu ký CK khi đáp ứng được một số yêu cầu nhất định. Cụ thể, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đối với các ngân hàng  yêu cầu từ 5.000 tỷ đồng trở lên đối với thành viên bù trừ trực tiếp và 7.000 tỷ đồng trở lên đối với thành viên bù trừ chung. Yêu cầu về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đối với CTCK từ 900 tỷ đồng trở lên khi đăng ký làm thành viên bù trừ trực tiếp và 1.200 tỷ đồng trở lên làm thành viên bù trừ chung. Việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch CK phái sinh của CTCK, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng  nước ngoài phải được UBCKNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Nguyễn Thành Long ,
Phó Chủ tịch UBCKNN

 
ThS. NGUYỄN KIM CHUNG, Học viện Ngân hàng
 

Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015