Trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2015, Ngân hàng HSBC cho rằng tháng 10 là thời điểm tốt đối với các cuộc cải cách của Việt Nam khi hiệp định TPP đã kết thúc đàm phán, Chính phủ thoái vốn Nhà nước tại một số “ông lớn” và Bộ Tài chính có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế để đảo nợ.
Cụ thể, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế HSBC, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cầu nội địa yếu. Chỉ số PMI tháng 10 tăng nhẹ lên 50,1 điểm; từ mức 49,5 điểm hồi tháng 9. Trong khi đó, những “luồng gió mạnh” của kinh tế toàn cầu cũng có tác động không nhỏ đến ngành sản xuất Việt Nam.
Tuy nhiên, HSBC cũng cho rằng, mặc dù giá dầu giảm song nhu cầu trong nước vẫn được sự hỗ trợ bởi lạm phát thấp và tín dụng dư thừa. Lạm phát toàn phần trong tháng 10 không thay đổi vẫn ở mức 0% so với cùng kỳ, trong khi lạm phát cơ bản lại tăng chậm hơn từ mức 1,6% trong tháng 9 xuống còn 1,4% trong tháng 10.
Do vậy, HSBC tin rằng những lo ngại về giảm phát đang phần nào bị thổi phồng. Ngân hàng Nhà nước có cơ hội để duy trì mức lãi suất ổn định đến hết quý I/2016 song áp lực lạm phát cơ bản đang tăng có khả năng kéo lãi suất tăng lên trong quý III/2016.
HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ quay trở lại ở mức 3,3% vào cuối nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế của HSBC cũng cho rằng, trong khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi ổn định thì thách thức dài hạn đối với Việt Nam chính là vấn đề cải cách. HSBC chỉ ra hai thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam.
Một là thâm hụt ngân sách ngày càng nới rộng ra, Bộ Tài Chính đã phải nỗ lực đi vay tiền do nhu cầu đối với việc phát hành trái phiếu Chính phủ thấp.
Hai là sự chèn lấn của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI đối với với các doanh nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả sẽ làm giảm năng suất chung.
Tuy nhiên, HSBC cũng nhận định, tháng 10 là thời điểm tốt đối với các cuộc cải cách của Việt Nam thể hiện ở ba nội dung.
Thứ nhất, Việt Nam và 11 nước thành viên khác bao gồm Mỹ và Nhật đã thông qua Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mức độ bao phủ của Hiệp định TPP mang ý nghĩa thỏa thuận hỗ trợ các hoạt động cải cách cần thiết trong nước, đặc biệt là đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Chính phủ đang chịu nhiều áp lực để đẩy mạnh quá trình cải cách các doanh nghiệp Nhà nước để hoàn tất Hiệp định TPP. Trong năm 2015, Chính phủ đã lên kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước nhưng đến nay mới chỉ có 94 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa.
"Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra khá chậm chạp, Bên cạnh đó, dường như Việt Nam đang tập trung vào số lượng hơn là chất lượng cổ phần hóa" - HSBC nhận xét.
Thứ hai, mới đây Chính phủ Việt Nam chính thức thông báo việc thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn đã được niêm yết, trong đó có Vinamilk, FPT… Mặc dù thời hạn cho việc thoái vốn chưa rõ ràng, nhưng HSBC cho rằng việc tập trung nỗ lực cải tổ doanh nghiệp nhà nước chú trọng chất lượng hơn số lượng là một bước đi đúng đắn.
Thứ ba, quyết định đẩy nhanh tiến độ thoái vốn của Chính phủ có thể mang đến những tín hiệu tích cực đối với ngân sách Nhà nước. Theo dự báo, việc thoái vốn ở 10 doanh nghiệp Nhà nước trên ước tính sẽ mang về khoảng 4 tỷ USD cho ngân sách Nhà nước.
Nguồn vốn này được kỳ vọng sử dụng cho các dự án đầu tư quan trọng trong thời điểm ngân sách đang “eo hẹp” như đầu tư xây dựng một số bệnh viện trung ương, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho chương trình chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh…