Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Trung Quốc điều chỉnh nâng tỷ giá đồng nhân dân tệ lên khoảng 0,54%, biên độ này là quá nhỏ, không có tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu ngành thép của Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam hầu như không xuất khẩu được nhiều sản phẩm tôn, thép sang thị trường này.
Ở chiều ngược lại, việc nâng tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD có thể sẽ khiến giá nhập khẩu tăng nhẹ, nhưng cũng không làm giảm lượng nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam, bởi lượng nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn, chiếm tới 60% lượng thép nhập khẩu, mà nguyên nhân của vấn đề này không hẳn là ở việc giá rẻ, mà còn ở gian lận thương mại, lách luật.
Để giảm lượng thép nhập khẩu giá rẻ, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng các giải pháp vẫn phải từ phía cơ quan nhà nước như thực hiện tốt Thông tư 44 quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, rồi các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo hộ, kiện chống bán phá giá. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng, làm sao để giảm giá thành sản phẩm, có như vậy mới tăng tính cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho hay với ngành phân bón, các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động tốt, cung ứng đủ và dư thừa cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu, đặc biệt là các thương hiệu mạnh như Phú Mỹ, Cà Mau, Ninh Bình. Thêm vào đó, lượng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc là rất ít. Do vậy, khi phía Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ sẽ không gây ảnh hưởng và tác động tới doanh nghiệp phân bón trong nước.
Vấn đề của doanh nghiệp phân bón muốn kiến nghị hiện nay là về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng được sản xuất tại các cơ sở nhỏ lẻ trong nước, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Các ngành chức năng cần có giải pháp chấm dứt tình trạng này.
Với đặc thù là ngành có nguyên liệu đầu vào thường nhập khẩu từ Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên, cho rằng đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay, chủ yếu sản xuất gia công để phục vụ xuất khẩu nên việc tăng tỷ giá sẽ có lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện xuất khẩu. Vì vậy, khi tăng tỷ giá, giá nguyên liệu đầu vào sẽ bị ảnh hưởng nhưng với đặc thù là mặt hàng dệt may thì sau khi gia công xong doanh nghiệp lại xuất khẩu và thu được ngoại tệ sau đó đổi lại thành tiền Việt Nam.
Chính vì vậy, doanh nghiệp dệt may sẽ không bị ảnh hưởng gì khi tăng tỷ giá. Việc tăng tỷ giá chỉ có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên vật liệu cho ngành may như nhập bông để sản xuất sơ sợi vải; nhập hóa chất để nhuộm màu… vì nguyên liệu đầu vào tăng.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ so với USD 0,54% là con số rất nhỏ, hơn nữa giao dịch của các doanh nghiệp đều bằng USD nên việc điều chỉnh này không có ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp mong muốn đồng tiền được định giá đúng theo cơ chế thị trường.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu, ông Lương Văn Thư bày tỏ việc tăng tỷ giá nhân dân tệ sẽ có ảnh hưởng tới doanh nghiệp dệt may trong nước vì Trung Quốc là cường quốc về xuất khẩu nguyên phụ liệu may mặc.
Dù vậy, trước mắt May Đáp Cầu không bị ảnh hưởng đối với các đơn hàng đã ký bởi giao dịch với phía Trung Quốc hoàn toàn bằng đồng USD. Hơn nữa, phần lớn các mặt hàng của may Đáp Cầu là làm gia công, được phía khách hàng cung cấp nguyên phụ liệu từ đầu đến cuối nên công ty chỉ phải lo sản xuất cho đúng tiến độ.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam, cho biết các doanh nghiệp trong ngành da giày chịu ảnh hưởng không đáng kể qua việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ lần này do luôn nhập khẩu bằng USD. Dù vậy nhưng hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu hiện khá cầm chừng bởi doanh nghiệp không còn lưu kho sản phẩm vì vẫn phải nghe ngóng biến động khó lường của tỷ giá. Bên cạnh đó, các hợp đồng mua bán đều được ký trước 6 tháng, giá cả đã chốt trước đó nên để thấy tác động rõ rệt nhất cần phải chờ đến đầu năm 2016.
"Về lâu dài doanh nghiệp cần có phương án thay đổi phương thức sản xuất cho phù hợp, tăng lượng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Đây là vấn đề không hề mới nên doanh nghiệp cần lưu ý để tránh những biến động về chính sách của thế giới, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc trong thời gian tới," bà Xuân nói.
Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sắn với khối lượng vài nghìn tấn mỗi ngày sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Duy Nghiệp, Giám đốc Công ty An Nghiệp, tỉnh Lào Cai cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ không tác động gì đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do tất cả hoạt động xuất khẩu đều được thanh toán bằng nhân dân tệ.
Chung ý kiến này, ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, cũng cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng đô la Mỹ lần này sẽ không tác động đến tình hình xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vì đây vẫn là thị trường lớn nhập khẩu sắn của Việt Nam./.
Theo Vietnam+