Nhiều ông lớn lên UPCoM

cafef- 02/11/2015

 

Trong khi số doanh nghiệp niêm yết mới trên HOSE và HNX chỉ đếm trên đầu ngón tay, lượng doanh nghiệp đưa CP niêm yết trên sàn UPCoM lại lên đến con số hàng chục. Đặc biệt, nhiều tổng công ty cũng quyết định niêm yết trên sàn UPCoM, thay vì chọn HOSE hay HNX.

1 ngày 3 doanh nghiệp lên sàn

Ngày 26-10, Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX) đã tổ chức khai trương đăng ký giao dịch 155 triệu CP của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam, với mã CKGEX và giá tham chiếu 15.500 đồng/CP. Đây là CP thứ 70 lên giao dịch trên sàn UPCoM tính từ đầu năm 2015. Theo HNX, với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt 1.550 tỷ đồng, đã nâng tổng giá trị CK đăng ký giao dịch trên UPCoM đạt xấp xỉ 45.000 tỷ đồng tính theo mệnh giá.

Phát biểu tại buổi lễ khai trương giao dịch CP mới, ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT GEX, cho biết việc đưa CP vào giao dịch trên UPCoM là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động của tổng công ty, góp phần đưa CP GEX đến gần hơn với NĐT trên thị trường.

Ông Cương cũng chia sẻ, trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm củng cố uy tín, hình ảnh, thương hiệu trên thị trường thiết bị điện trong nước, GEX sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu ở thị trường nước ngoài, mang lại những giá trị tối ưu, thực chất cho khách hàng và cổ đông.

Cũng trong ngày 26-10, sàn UPCoM còn đón nhận thêm 2 doanh nghiệp niêm yết mới là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (63,1 triệu CP) và CTCP Dược phẩm Cần Giờ (10,7 triệu CP). Làn sóng niêm yết trên UPCoM vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi 4 ngày sau đó có thêm CTCP Vận tải xăng dầu Đồng Tháp (DOP). Cụ thể, ngày 30-10, 4,3 triệu CP DOP chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 14.800 đồng/CP, nâng tổng số công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM lên 237 doanh nghiệp.

Theo thống kê, kể từ đầu năm 2015 đến nay, HNX đã tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cho gần 200 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có 9 doanh nghiệp sẽ được IPO tại HNX trong tháng 11 này. Với những con số thống kê này, có thể khẳng định làn sóng niêm yết trên UPCoM sẽ tiếp tục nóng trong những tháng cuối 2015 và cả năm 2016.

Hàng chất lên sàn

Có thể nói quan niệm UPCoM chỉ là sàn giao dịch của các mã CK kém chất lượng đã không còn đúng ở thời điểm hiện nay. Đơn cử là trường hợp DOP. Mặc dù doanh thu và lợi nhuận gặp biến động trong năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh sắp tới của DOP vẫn có nhiều triển vọng.

Với đà phát triển hiện nay, cũng như dự báo trong những năm tiếp theo, khu vực Đông Á, đặc biệt Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Điều này kéo theo nhu cầu năng lượng như xăng dầu tăng trưởng mạnh, với tốc độ khoảng 5%/năm. Và nhu cầu vận tải xăng dầu bằng đường biển cũng tăng đáng kể là cơ hội để DOP mở rộng thị phần vận tải ra bên ngoài.

Đặc biệt, nếu so với 2 doanh nghiệp cùng ngành nghề là CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco (VIP) và CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (VTO) đang niêm yết trên HOSE, dù vốn điều lệ của DOP thấp nhưng ROE của DOP vẫn đạt ở mức 14,5%. Với nguồn vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 43,7 tỷ đồng, DOP đặt kế hoạch doanh thu trong 2 năm 2015 và 2016 là 48,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế 8,5 tỷ đồng, ROE 17,5%, tỷ lệ trả cổ tức dự kiến 14%.

Ấn tượng nhất là trường hợp của GEX. Tổng công ty này được đông đảo người tiêu dùng biết đến với thương hiệu Gelex-Emic. Các dòng sản phẩm chính của công ty bao gồm công tơ điện 1 pha, 3 pha cơ khí; công tơ điện tử 1 pha, 3 pha đa chức năng; máy biến dòng điện, máy biến điện áp trung và hạ thế; đồng hồ Vol-Ampe, tủ điện và một số sản phẩm thiết bị đo điện khác. Khách hàng của Tổng công ty chủ yếu là các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). GEX cũng đang đầu tư vốn tại 10 công ty thành viên (6 công ty con, 3 công ty liên kết, 1 công ty liên doanh).

Một số sản phẩm của các công ty thành viên đã trở thành thương hiệu quốc gia, có uy tín trên thị trường như dây cáp điện Cadivi; máy biến áp Thibidi; động cơ điện và máy phát điện Hem và Vihem; thiết bị đóng cắt Vinakip; bơm điện Hpmc. Năm 2014, doanh thu thuần của GEX đạt 8.735 tỷ đồng (tăng 18,2%) và 6 tháng đầu năm 2015 đạt 4.332 tỷ đồng. Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu, GEX cũng đạt được mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận.

Cụ thể, trong năm 2014, GEX ghi nhận lợi nhuận sau thuế 231 tỷ đồng (tăng 4,7%) và 6 tháng đầu năm nay, GEX đạt 224 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương 96,9% lợi nhuận sau thuế năm 2014, đạt 89,3% kế hoạch lợi nhuận năm 2015. Với kết quả này, GEX nhanh chóng trở thánh hàng hot trên sàn UPCoM khi ngay trong phiên chào sàn GEX đã tăng hết biên độ cho phép 40% lên 21.700 đồng/CP.

Lý giải hiện tượng doanh nghiệp đổ dồn lên UPCoM trong thời gian gần đây, giới phân tích cho rằng ngoài những trường hợp không đáp ứng được quy định niêm yết trên HOSE và HNX, hay bị hủy niêm yết nên doanh nghiệp buộc phải chọn sàn UPCoM, lý do chính để các doanh nghiệp chọn UPCoM là vấn đề công bố thông tin. Với những chính sách công bố thông tin hiện tại trên 2 sàn niêm yết chính thức, nhiều doanh nghiệp trong nhóm trên UPCoM vẫn đáp ứng đủ yêu cầu.

Tuy nhiên, xét về lâu dài, với quan điểm TTCK được coi là đầu tàu của nền kinh tế, mức độ công bố thông tin sẽ bị siết chặt hơn, trong khi nhiều công ty với các kế hoạch phát triển dài lâu cùng những chiến lược về thông tin sẽ không muốn vấn đề này. Một yếu tố nữa là doanh nghiệp đang rất coi trọng tính ổn định của CP sẽ có xu hướng chọn UPCoM.

Thanh khoản của UPCoM đang ở mức thấp chính là lợi thế giúp cho CP không tăng giảm bất thường. Đây là nhược điểm UPCoM không thu hút được sự chú ý của NĐT, nhưng lại là ưu điểm của các doanh nghiệp muốn duy trì sự ổn định.

Theo Hải Hồ

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015