Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan cho biết mỗi 1% lãi suất tăng thêm có thể khiến chi phí tài chính của công ty tăng thêm 300 tỷ.
Tuy nhiên, với một doanh nghiệp “nặng nợ” như Masan, áp lực từ lãi suất không phải là áp lực duy nhất liên quan đến các khoản vay.
Tại thời điểm cuổi quý 2, Masan có tổng giá trị các khoản vay bằng USD là 262 triệu USD. Rủi ro tỷ giá, vì vậy cũng không phải là nhỏ. Được biết trong đó 87 triệu USD (1.966 tỷ đồng) là vay nợ ngắn hạn và 175 triệu (3.824 tỷ đồng) là vay dài hạn.
Ngoài ra Masan còn duy trì một khoản vay chuyển đổi đối với Jade Dragon Limited, trị giá 30 triệu USD.
Với số dư nợ này, nếu USD tăng thêm 2% thì lợi nhuận trước thuế của tập đoàn sẽ giảm 106 tỷ đồng, thuyết minh báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của tập đoàn này cho biết.
Để tránh rủi ro tỷ giá có thể có xảy ra, vào ngày 14/8/2015, Masan đã trả trước khoản vay 175 triệu USD (trước thời gian đáo hạn 1 năm)
Theo đó, sau ngày báo cáo kết thúc, toàn bộ số dư khoản vay dài hạn tại ngày cuối quý 2 với số tiền gốc là 175 triệu USD (tương đương 3.824 tỷ đồng) cùng với lãi vay lũy kế và các chi phí liên quan khác đã được thanh toán trước hạn bởi một công ty con của Tập đoàn.
Đây là khoản vay gốc 175 triệu USD từ JP Morgan được đảm bảo bằng khoản đầu tư của MSN vào các công ty con. Khoản vay này theo kế hoạch sẽ đến hạn vào ngày 15/8/2016.
Việc thanh toán trước hạn sẽ giúp Masan không còn khoản vay dài hạn có gốc ngoại tệ cũng như phải chịu rủi ro tỷ giá tỷ giá liên quan.
Tuy nhiên Tập đoàn này vẫn còn các khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ tính đến cuối quý 2/2015 trị giá gần 2 nghìn tỷ đồng. Việc duy trì các khoản vay này cũng chịu rủi ro tỷ giá USD và tác động đến lợi nhuận của Tập đoàn trong tương lai.