Ngày 17/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác tái cơ cấu, thoái vốn và CPH các doanh nghiệp.
Theo kế hoạch năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành CPH 28 doanh nghiệp, trong đó có nhiều Tổng công ty lớn như: Đường sắt, Cảng hàng không, Hàng hải… Đây được coi là chặng "nước rút" để các doanh nghiệp này cán đích, CPH đúng tiến độ.
Ngày 17/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác tái cơ cấu, thoái vốn và CPH các doanh nghiệp. Tại cuộc họp, nhiều vướng mắc đã được Bộ trưởng tháo gỡ, cho ý kiến thực hiện.
Tháo nút thắt CPH đường sắt
Theo ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, theo kế hoạch năm nay, đơn vị này sẽ tiến hành CPH 24 đơn vị. Đến nay đã có 21 đơn vị được phê duyệt giá trị doanh nghiệp.
Khó khăn nhất hiện nay đối với đường sắt trong việc thực hiện CPH là còn vướng các quy định trong việc chuyển đổi chủ thể tài sản là các đầu kéo được hình thành từ nguồn vốn vay ODA của Đức, Pháp, Áo sang cho các đơn vị thành viên để định giá tài sản khi CPH đối với hai công ty vận tải đường sắt và Xí nghiệp Xe lửa Gia Lâm. Lý do là trước đó Tổng công ty đứng tên hợp đồng vay để mua sắm trang thiết bị (đầu máy) và giao cho các đơn vị thành viên quản lý, sử dụng.
Để CPH các đơn vị thành viên phải xác định được giá trị doanh nghiệp, trong khi Tổng công ty lại đang là chủ thể hợp đồng. Vướng mắc nằm ở chỗ việc chuyển giao chủ thể phần vốn vay cho các đơn vị thành viên (doanh nghiệp chuyển sang cổ phần) này chưa được kiểm toán đồng ý nên vẫn phải chờ ý kiến Bộ Tài chính và Chính phủ. Đây là nút thắt quyết định sự thành công của CPH đường sắt.
“Theo quy định, nếu đến thời hạn 30/9/2015 mà không ra được báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp thì phải làm lại từ đầu. Nếu như vậy sẽ phải chuyển kế hoạch sang năm 2016 vì nếu kiểm toán không ra được báo cáo kiểm toán, không thể xác định được giá trị doanh nghiệp”, ông Thành cho biết.
Tuy nhiên, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lại khẳng định, thực tế đó không phải là lý do ảnh hưởng đến tiến độ CPH vì khi chuyển tài sản cho đơn vị nào thì đơn vị ấy sẽ có trách nhiệm, cam kết trả nợ cho Tổng công ty.
Cho biết ý kiến về vấn đề này, ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính lại cho rằng, hiện toàn bộ tài sản đầu máy hình thành từ vốn vay, chủ vay; Tổng công ty và các đơn vị thành viên chỉ giữ hộ. Nay nếu tách ra, chuyển về các công ty cổ phần thì phải nghiên cứu nội dung ràng buộc của hợp đồng vay và quan trọng là bên cho vay có đồng ý hay không. Đây có thể là một điểm vướng khi tiến hành CPH. Vì thế, ông Quốc đề nghị vẫn giữ các đầu kéo là tài sản của Tổng công ty chứ không phải của đơn vị thành viên.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, để đẩy nhanh tiến độ CPH, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận, đồng ý tách tài sản hiện nay để lại Tổng công ty vì lý do không chuyển được tài sản gắn với chủ sở hữu. Tiếp sau đó, các công ty cổ phần có thể nghiên cứu ký hợp đồng thuê hay mua lại nếu bên cho vay đồng ý.
Đẩy nhanh việc chọn các nhà đầu tư chiến lược
Về tiến độ CPH các bệnh viện, ông Vũ Anh Minh cho biết, đến nay Chính phủ đã phê duyệt phương án CPH, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt tiêu chí, trình tự lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Bệnh viện GTVT T.Ư. Theo đó, trong tháng 9/2015 sẽ tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), hoàn thành phương án CPH trong năm 2015.
Ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho biết: “Hiện hai bệnh viện đã được phê duyệt phương án CPH là Bệnh viện Nam Thăng Long và Bệnh viện GTVT T.Ư. Theo đó, trong tháng 8, sẽ hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp đối với Bệnh viện Nam Thăng Long. Đối với Bệnh viện GTVT T.Ư, đến 20/8 sẽ tổng hợp tất cả các nhà đầu tư chiến lược để trình Bộ”.
Theo Vụ Quản lý doanh nghiệp, năm 2015 Bộ GTVT sẽ triển khai CPH 28 đơn vị. "Đến nay, Bộ đã hoàn thành phê duyệt danh sách CPH, thành lập Ban Chỉ đạo CPH tại 28 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phê duyệt thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để CPH 26 doanh nghiệp.
Cùng đó, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt giá trị doanh nghiệp để CPH 28 doanh nghiệp; Hoàn thành IPO 6 doanh nghiệp; Tổ chức đại hội cổ đông lần đầu, chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần đối với 17 doanh nghiệp; hoàn thành thẩm định báo cáo quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đối với 24 doanh nghiệp".
Tuy nhiên, ông Triển cũng cho biết, hiện vẫn còn vướng mắc trong việc đưa tòa nhà mới của Bệnh viện GTVT T.Ư vào hoạt động do hệ thống PCCC chưa hoàn thiện và còn thiếu máy phát điện. Hiện bệnh viện đã có kinh phí dự phòng nhưng còn phải chờ sự đồng ý của Bộ.
Ông Trần Trung, Giám đốc Bệnh viện GTVT T.Ư cho biết thêm, công tác CPH tại Bệnh viện đang thực hiện thuận lợi. Hiện có một số giáo sư, tổ chức của Singapore, CH Séc bày tỏ mong muốn hợp tác để phát triển bệnh viện sau CPH. Ông Trung cũng đề xuất Bộ cho phép sử dụng vốn phát triển sự nghiệp của bệnh viện để mua sắm bàn ghế cho các phòng tại tòa nhà mới.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao Cục Y tế và các bệnh viện đã tích cực thực hiện CPH. Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, chậm nhất đến ngày 25/10 phải xong. Bộ trưởng cũng đồng việc ý mua máy phát điện dự phòng và sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp của Bệnh viện GTVT T.Ư để mua bàn ghế.
Báo cáo về tiến độ CPH của Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV), ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty cho biết, hiện Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Chỉ đạo CPH Tổng công ty có văn bản tiếp thu và giải trình ý kiến của Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan để hoàn thành phương án CPH trình Bộ trước ngày 25/8 và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 9/2015.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ CPH, Bộ trưởng yêu cầu ACV cần chuẩn bị ngay tiêu chuẩn lựa chọn cổ đông chiến lược. Đôn đốc tiến độ nhà ga Cảng hàng không Đà Nẵng và các nhà ga khác, đồng thời nhanh chóng đưa ra tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư Cảng Hàng không Cam Ranh. Bên cạnh đó, cần sớm có báo cáo về nội dung, quy mô thực hiện nghiên cứu khả thi của Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đánh giá công tác CPH tại Tổng công ty Hàng hải VN còn chậm, nhất là công tác thoái vốn tại các cảng như: Cảng Nha Trang, Quy Nhơn, Sơn Trà… Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị ngay trong tuần này, Vụ Quản lý doanh nghiệp phải có giải trình vấn đề CPH của Tổng công ty Hàng hải VN để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó cần có báo cáo về giải pháp nâng cao hiệu quả của cảng Cái Mép - Thị Vải. Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng chỉ đạo một số ý kiến về công tác tái cơ cấu, CPH đối với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc VN (VEC)…