Bộ Tài chính vừa công bố danh sách các doanh nghiệp nợ thuế trên cả nước, tính đến thời điểm 30/6/2015.
Theo đó tính đến 30/6/2015 cả 63 tỉnh thành trên cả nước đều có doanh nghiệp nợ thuế với số tiền tổng cộng lên tới 12.658,4 tỷ đồng trong đó 2 địa phương có nhiều doanh nghiệp nợ thuế nhất trên cả nước là Tp.HCM và Hà Nội.
Trong đó Hà Nội dẫn đầu với 200 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền là gần 4.672 tỷ đồng, tiếp theo TP.HCM cũng có 200 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số nợ lên là 3.517 tỷ đồng. Như vậy riêng số thuế 2 thành phố này còn nợ đã chiếm tới 65% tổng số tiền nợ thuế của cả nước. Một số tỉnh khác có số tiền nợ thuế trên 200 tỷ đồng gồm Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Sóc Trăng, Vũng Tàu và Bình Thuận.
30 tỉnh, thành phố nợ thuế lớn nhất cả nước tính đến 30/6/2015
Căn cứ vào danh sách này, Công ty Cổ phần dịch vụ Dầu khí Sài Gòn (16 Phùng Khắc Khoan) đang là doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất tại TP.HCM với số nợ 196 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số nợ lớn khác như CTCP Nakyco (146 tỷ đồng); Công ty TNHH Xây dựng Trang trí Việt Quốc (143 tỷ đồng); Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phương Việt (143 tỷ đồng), Công Ty Cổ Phần Vốn Thái Thịnh (110 tỷ đồng), Cty TNHH MTV Cây trồng TPHCM (101 tỷ đồng), …
Trong khi đó tại Hà Nội, Công Ty Cổ Phần Sông Đà - Thăng Long dẫn đầu với số tiền nợ thuế là 375,23 tỷ đồng – Đây cũng là doanh nghiệp hiện có mức nợ thuế cao nhất trên cả nước. Đứng thứ hai trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế cũng là Tổng Công Ty Công Nghiệp Tàu Thủy (SBIC) với số tiền nợ thuế 133 tỷ đồng, tiếp theo là Công Ty TNHH Xây Dựng Dân Dụng Và Công Nghiệp Delta nợ 100,7 tỷ đồng.
Nhóm 30 doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất cả nước
Theo Bộ Tài chính, việc tổng hợp danh sách các doanh nghiệp nợ thuế lớn đến thời điểm 30/6/2015 theo các tiêu chí như sau: Là những người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn nhất trên địa bàn; Là các đối tượng có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày, cơ quan Thuế đã dùng nhiều biện pháp đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính, chậm nộp nhưng vẫn chưa thực hiện.
Đồng thời căn cứ tình hình thực tế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp: trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại ngân hàng thương mại; yêu cầu phong tỏa tài khoản hoặc biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định tại Luật quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài chính yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và có văn bản báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trước ngày 30/7/2015.