“Soi” chuyện cho bán khống chứng khoán ở Việt Nam từ kinh nghiệm nước ngoài

cafef- 13/07/2015

 Dự thảo Thông tư trên đã được đón nhận một cách tích cực bởi các chủ thể liên quan. Nếu được ban hành, Thông tư trên sẽ mang đến những lợi ích lớn dễ thấy như tăng tính thanh khoản trên thị trường, để giá cả phản ánh chính xác hơn điều kiện thị trường, đồng thời thúc đẩy quy mô cũng như tần suất giao dịch của các nhà đầu tư, qua đó làm tăng doanh thu của các công ty chứng khoán. Ngoài ra, bằng việc quy định những điều kiện chặt chẽ cho các công ty chứng khoán nếu muốn tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày, Thông tư mới cũng được kỳ vọng là sẽ đẩy mạnh quá trình cạnh tranh, tái cơ cấu các công ty chứng khoán theo hướng lành mạnh hơn.

Về tác động tiêu cực của dự thảo Thông tư trên, nhìn chung các ý kiến phản biện thường khá sơ sài, mới chủ yếu chỉ dừng lại ở việc chỉ ra rằng tác động tiêu cực, nếu có, chỉ là rủi ro về phía công ty chứng khoán khi cho khách hàng thực hiện các giao dịch bán khống mà các cổ phiếu được cho vay lại giảm giá sâu, gây thiệt hại lớn cho các công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ này.

Chuyện lợi hại của việc cho bán khống dường như chỉ có thể và đơn giản như thế nếu như không có sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc chao đảo mạnh từ mấy tuần nay nhắc nhở chúng ta về “tử huyệt” của một thị trường chứng khoán cho phép bán khống không có một cơ chế kiểm soát thích hợp.

Như đã biết, một trong những nguyên nhân quan trọng như có tác dụng “đổ thêm dầu vào lửa” trong mỗi cuộc khủng hoảng tài chính nào đó trên thế giới là chuyện bán khống. Bán khống một tài sản tài chính nào như chứng khoán, ngoại tệ… là việc bán tài sản đó khi người bán không thực sự sở hữa nó vào thời điểm thực hiện giao dịch bán. Người bán với mục đích đầu cơ và nhận định thị trường sẽ đi xuống trong thời gian tới nên vay mượn tài sản đó từ các cá nhân hay tổ chức nào đó như công ty chứng khoán hoặc ngân hàng thương mại rồi bán ra với hy vọng trong thời gian tới sẽ mua lại chính những tài sản đó nhưng với giá thấp hơn để hoàn trả cho người mình vay nhằm thu lợi.

Khi một thị trường sản phẩm tài chính trên đà hoặc có chiều hướng giảm sút, lập tức sẽ có nhiều nhà đầu tư lao vào thực hiện các giao dịch bán khống, làm thị trường càng bị ngập lụt bởi một nguồn cung sản phẩm tài chính bổ sung khổng lồ. Xu hướng lao dốc của giá sản phẩm tài chính ngày đó ngày càng trở nên rõ nét hơn với làn sóng bán khống này, đến lượt nó lại càng kích thích quy mô bán khống gia tăng. Kết cục là có những thị trường tài chính lẽ ra đã có thể hồi phục ngay từ những chao đảo do những bất cân đối ngắn hạn và không mạng tính cơ cấu nhưng rốt cuộc lại bị nhấn chìm trong đổ vỡ bởi những làn sóng bán khống.

Chính vì lý do trên bên cạnh những lý do khác mà thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chao đảo mạnh và nhà cầm quyền nước này buộc phải áp dụng nhiều biện pháp can thiệp quyết liệt, trong đó có các biện pháp cấm bán khống chứng khoán.

Từ trường hợp của thị trường chứng khoán Trung Quốc, bài học rút ra cho Việt Nam không phải là rút ngay lại quy định cho phép bán khống chứng khoán đang được thai nghén cho ra đời để ngăn ngừa khả năng nó sẽ châm ngòi cho sự sụp đổ thị trường chứng khoán Việt Nam. Thay vào đó, song song với việc cho phép bán khống chứng khoán cần phải ban hành những quy định để khống chế bán khống kho một chứng khoán nào đó đang chịu áp lực mất giá mạnh, nhờ đó ổn định thị trường và duy trì lòng tin của nhà đầu tư.

Việc khống chế bán khống đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, ở Mỹ, có quy định rằng việc bán khống sẽ bị hạn chế với một chứng khoán nào đó (cả trong và ngoài sở giao dịch chứng khoán) nếu chứng khoán đó đã mất hơn 10% giá trị trong vòng 1 ngày so với giá cuối ngày giao dịch trước đó. Quy định này tạo điều kiện cho các “long seller” (mua trước – bán sau?) được sắp xếp hàng trước những người bán khống để bán chứng khoán đó một khi điểm giới hạn bán khống được kích hoạt. Khi đó, bán khống chỉ được cho phép nếu giá của chứng khoán đó cao hơn giá chào mua hiện hành cao nhất trên toàn quốc.

Ủy ban chứng khoán Mỹ cho biết thêm rằng họ quy định vậy vì họ nhận thức được tác động hai mặt của bán khống (và vì thế hạn chế có điều kiện việc bán khống). Giải pháp này được nhìn nhận là đã tạo ra một cơ chế tự ổn định cho thị trường trong những giai đoạn đi xuống hoặc biến động mạnh.

Tóm lại, bên cạnh các quy định liên quan đến việc bán khống như hiện tại đang được đề xuất, UBCKNN nên cân nhắc và đưa thêm vào dự thảo Thông tư mới về hướng dẫn giao dịch chứng khoán với những điều khoản liên quan đến cơ chế kiểm soát bán khống chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi có những biến động bất lợi xảy ra nhằm ngăn chặn từ xa một trong những yếu tố có khả năng gây đổ vỡ cho thị trường trong  tương lai.

TS. Phan Minh Ngọc

Theo Trí thức trẻ

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015