Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến thời điểm 31/5/2015, đã phát hành là 72,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP). Như vậy, so với 250.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành trái phiếu được ấn định cho năm 2015, gần hết nửa năm Bộ Tài chính chỉ mới "về đích” được khoảng 29%.
Lý giải về việc TPCP bị “ế”, bà Phan Thu Hiền – Vụ phó vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) thừa nhận, trong tháng 5 công tác phát hành TPCP có phần trầm lắng, không đạt kế hoạch đề ra.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một trong số đó là nhiều tổ chức bị giới hạn bởi thời hạn đầu tư, trước đây khi TPCP phát hành kỳ hạn ngắn 1 – 2 – 3 năm các nhà đầu tư tham gia nhiều nhưng nay kỳ hạn 5 – 15 năm thì họ không thể tham gia, nhất là trong bối cảnh tín dụng của nền kinh tế cũng đang tăng lên” – Bà Hiền nói.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện chưa có nhiều chuyển biến rõ ràng, tích cực, trái phiếu có khả năng sẽ tăng tiếp lãi suất...
“Chúng tôi cho rằng, nhận định này là chưa có cơ sở. Do đó, dự kiến vào thứ 6 tới đây (tức ngày 12/6/2015), Hiệp hội trái phiếu, NHNN và Bộ Tài chính sẽ có buổi tham vấn với các nhà đầu tư để chia sẻ những thông tin về tình hình vĩ mô, chính sách điều hành lãi suất của NHNN để nhà đầu tư nắm được thông tin một cách rõ ràng và minh bạch” – Bà Hiền tiết lộ.
Bình luận thêm về việc hiện lãi suất của thị trường thứ cấp cao hơn nhiều lãi suất của thị trường sơ cấp, bà Hiền cho rằng, hiện nay TPCP của Việt Nam đang ở quy mô nhỏ (khoảng 15% GDP), quy mô giao dịch trái phiếu khoảng 2.000 – 4.000 nghìn tỷ đồng/phiên nên lãi giao dịch thị trường thứ cấp chưa phản ánh được đại diện thị trường.
Nếu lấy lãi suất của thị trường thứ cấp để phán ánh thì chưa phản ánh đúng yếu tố quyết định đến lãi suất.
Bà Hiền kỳ vọng, việc gặp các nhà đầu tư vào thứ 6 tới này sẽ có những trao đổi cởi mở, cũng như theo dõi sát việc phát hành, kỳ hạn phát hành và thời gian phát hành để đảm bảo kế hoạch phát hành TPCP năm nay thành công ở mức cao nhất.
Theo Trí thức trẻ