ĐHCĐ thường niên của Nhựa Bình Minh (BMP) chính thức khép lại với sự đồng thuận cao, thông qua toàn bộ các tờ trình của HĐQT và Ban giám đốc công ty.
Được tổ chức ngay tại Nhà máy, đồng thời là trụ sở văn phòng của công ty, cổ đông Nhựa Bình Minh được đón tiếp trọng thị bởi cán bộ công nhân viên công ty trong đồng phục màu xanh. Đến khoản phong bì gửi tặng cho các cổ đông cũng được chu đáo thông báo, với lý do công ty không đủ điều kiện tổ chức ăn trưa cho cổ đông, rất mong cổ đông thông cảm.
Được biết, ĐHCĐ của Nhựa Bình Minh từ cơ sở vật chất đến khâu tổ chức, đều do công ty tự làm mà không thuê một đơn vị nào.
Cũng hiếm có cuộc họp ĐHCĐ nào lời phát biểu đầu tiên của chủ tọa, là nói về…wifi đã được gỡ password, và rất mong cổ đông có thể vừa họp vừa tra cứu thông tin liên quan.
Cạnh tranh và cạnh tranh
Khác với khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thường bắt nguồn từ việc hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ được, Nhựa Bình Minh lại trong tình trạng sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Thoạt đầu, cứ ngỡ đó là lợi thế khi công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đấy. Thực ra không phải. Lĩnh vực sản xuất này đang có tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn, khoảng 20%. Con số này thu hút rất nhiều đối thủ. Và không ít trong số đó lựa chọn chiến lược kinh doanh “điên cuồng” để cạnh tranh, trong đó có việc bán phá giá, làm hàng giả…
Thiếu sản phẩm, đồng nghĩa với việc nhường thị phần cho đối thủ. Rồi khách hàng, nhà cung cấp sẽ nhanh chóng quên mất cái tên Nhựa Bình Minh, nếu công ty cứ tự hài lòng với sản lượng đạt được.
Trong dài hạn, điều đó kéo theo sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.
Về vấn đề hàng giả, ông Lê Quang Doanh - Chủ tịch HĐQT cho biết, nếu việc dán tem sản phẩm Nhựa Bình Minh có thể đảm bảo việc ngăn chặn hàng giả, cho dù mất đến khoảng 20 – 30 tỷ đồng mỗi năm, công ty cũng sẵn sàng. Vấn đề là liệu dán tem như vậy, lợi nhuận của cổ đông bị “ăn mòn” thêm vài chục tỷ, có thực sự giải quyết được vấn đề? Ông Doanh cho biết công ty hiện đang tìm kiếm giải pháp để khắc phục hiện trạng này.
Thông tin tại đại hội, Nhựa Bình Minh cho biết doanh nghiệp bước vào ngành này thường chi ra khoảng 300 – 400 tỷ đồng để đầu tư. Đây là một rào cản không quá lớn.
Thị phần quả là một cuộc chiến sống còn.
Việc đầu tư dự án nhà máy ở Long An đã được nhắc tới cách đây 3 năm, nhưng đến nay vẫn tiếp tục được công ty xem xét thận trọng. Cổ đông tỏ ra “sốt ruột” khi BMP không mạnh dạn đầu tư lớn và triển khai xây dựng nhà máy.
Ông Lê Quang Doanh trả lời cổ đông, cho biết “Quan điểm của HĐQT là chúng ta đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đầu tư ồ ạt, không thu hồi được, không hoạt động hiệu quả. Chúng ta không làm như vậy. Máy móc cần đến đâu mua về đến đó. Riêng đất thì không thể đầu tư từng bước, mới phải đầu tư 1 lần”.
“Sốt sắng” trước nhu cầu đầu tư của công ty, mà mỗi năm Nhựa Bình Minh luôn chi trên 100 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông, một cổ đông cá nhân đứng lên đề nghị công ty…không trả cổ tức, dành tiền đầu tư. Thậm chí, cổ đông này cam đoan “Tôi rất thoải mái nếu trong vòng 5 năm tới công ty không trả cổ tức”.
Không rõ cụ thể số lượng cổ phiếu mà cổ đông này nắm giữ, ý kiến của cổ đông được Ban điều hành công ty cảm ơn vì sự chia sẻ và ủng hộ, nhưng do còn nhiều cổ đông tổ chức lẫn cá nhân khác vẫn cần cổ tức, kế hoạch chi trả cổ tức tiếp tục được giữ nguyên (35% cho năm 2014, không dưới 20% cho năm 2015).
Cũng chính vì vấn đề thị phần, kế hoạch đề ra của Nhựa Bình Minh luôn coi trọng chỉ tiêu sản lượng và doanh thu, dự kiến sẽ tăng khoảng 8% mỗi năm trong giai đoạn 2015 – 2018. Biên lợi nhuận dự kiến sẽ bị thu hẹp khi lợi nhuận dự đoán sẽ chỉ tăng với tỷ lệ bình quân 4%/năm.
Với việc trả lời thấu đáo các câu hỏi đặt ra, ĐHCĐ của Nhựa Bình Minh đã thông qua các tờ trình với tỷ lệ tròn trĩnh 100% - đúng như nguyện vọng mà HĐQT cởi mở chia sẻ từ đầu đại hội.
Đan Nguyên
Theo InfoNet