Ngày 29/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 657/NHNN-TTGSNH về việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các Ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo văn bản trên, Thống đốc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục đôn đốc các ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính trên địa bàn chưa niêm yết cổ phiếu hoàn thiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Yêu cầu trên nhằm thực hiện giải pháp “Niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán” tại đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với việc đôn đốc, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố theo dõi, giám sát việc triển khai kế hoạch niêm yết cổ phiếu của các đơn vị trên địa bàn; kịp thời báo cáo và đề xuất Thống đốc các biện pháp để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng theo chủ trương nêu tại đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 nói trên.
Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 2015 là năm cuối cùng của lộ trình thực hiện các bước tái cơ cấu. Mục tiêu đề ra trong năm này là hệ thống các tổ chức tín dụng phải hoàn thành cơ cấu lại hoạt động và quản trị; trong đó, lành mạnh hóa cũng là một điểm được nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp cơ cấu lại hoạt động và quản trị được nêu rõ trong đề án là tăng tính minh bạch hóa hoạt động ngân hàng thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin của các tổ chức tín dụng; thực hiện niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán.
Cùng đó, đề án nêu yêu cầu tăng tính đại chúng của ngân hàng thương mại cổ phần và tăng số lượng các nhà đầu tư, cổ đông trong các đợt tăng vốn điều lệ.
Đề án được ban hành từ tháng 3/2012, quá trình tái cơ cấu cũng đã thực hiện được gần ba năm, thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một ngân hàng thương mại cổ phần nào tiến hành niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, ngoài 8 thành viên đã làm từ nhiều năm trước.
Nếu đảm bảo đúng các yêu cầu trong đề án mà Thủ tướng đã duyệt, 2015 là năm cuối để các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện giải pháp tăng cường minh bạch nói trên. Đây cũng là lý do mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải ra văn bản đôn đốc việc niêm yết.
Tuy nhiên, tình huống các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại (khoảng 20 thành viên) đồng loạt niêm yết cổ phiếu là khó xẩy ra. Rất khó để có một sự đột phá thực sự về minh bạch, khi nhiều thành viên đến nay vẫn chưa có một chế độ công bố thông tin định kỳ đều đặn, cũng như tính đến việc niêm yết trong các kỳ đại hội đồng cổ đông gần đây.
Mặt khác, yêu cầu niêm yết được xem là một giải pháp trong đề án, các ngân hàng thương mại cổ phần có thể thực hiện hoặc không vì không có quy định bắt buộc thực hiện. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ có động thái là đôn đốc.
Trước đó, ngày 18/12/2013, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ quan điểm, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, như một cách để tăng cường tính minh bạch và hạn chế sở hữu chéo.
Tại hội nghị đó, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, nếu nội dung này có thể bắt buộc bằng một văn bản pháp lý thì tiến hành xây dựng, với quan điểm là “không chần chừ được nữa”.
Tuy nhiên, như trên, cho đến nay vẫn chưa có thêm bất kỳ ngân hàng thương mại cổ phần nào đưa cổ phiếu ra niêm yết sau khi có chỉ đạo đó.
Theo Minh Đức
Vneconomy