M&A 2014: Hàng trăm thương vụ ở Việt Nam
Theo một thông tin trên báo NCĐT dẫn thống kê của Viện hợp nhất sáp nhập và liên minh (IMAA), năm 2014 số lượng các thương vụ tăng vọt và giá trị các thương vụ làm nên các con số ấn tượng. Năm 2014 Việt Nam có 313 thương vụ M&A bao gồm các thương vụ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước, và doanh nghiệp trong nước mua tài sản nước ngoài. Cũng theo nguồn tin này, giá trị các thương vụ đạt khoảng 2,5 tỷ USD tăng 15% so với năm 2013 chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trên thị trường.
Các lĩnh vực diễ ra M&A và tỷ trọng tương ứng-Nguồn IMAA/Báo NCĐT
Thống kê cho thấy, ngành bán lẻ dẫn đầu với tỉ trọng chiếm 36% tổng giá trị. Thương vụ đình đám nhất là tập đoàn BJC của tỷ phú Thái Lan Charoen sirivadhanabhakdi mua lại toàn bộ hệ thống siêu thị Metro với tổng giá trị thương vụ lên đến 879 triệu USD.
Đứng thứ 2 là ngành hàng tiêu dùng thiết yếu với tỉ trọng chiếm 21% tổng giá trị, thương vụ đình đám trong lĩnh vực này là việc Kinh Đô bán hơn 80% mảng sản xuất bánh kẹo cho tập đoàn Mondelēz International –một tập đoàn thực phẩm của Mỹ, giá trị của thương vụ ước tính 370 triệu USD. ==>> Kinh Đô công bố chi tiết thương vụ Mondelēz mua 80% cổ phần Kinh Đô Bình Dương
Ngành năng lượng cũng là ngành bất ngờ khi tạo ra 18% tổng giá trị và đứng thứ ba trong bảng xếp hạng M&A. Công ty cổ phần cơ điện (REE) là cái tên nổi trội trong mảng này khi mà đã sở hữu chi phối cổ phần tại nhiều doanh nghiệp thủy điện, nhiệt điện.Theo dữ liệu của chúng tôi, Danh mục đầu tư của REE hiện có hàng loạt cái tên đình đám ngành than, nhiệt điện, thuỷ điện như PPC (Phả Lại); TBC (Thác Bà); TMP (Thuỷ điện Thác Mơ); NBC (Than Núi Béo); EVN Finance; TDN (Than Đèo Nai); TDW (Cấp nước Thủ Đức); NBP (Nhiệt điện Ninh Bình); Than Hà Tu (THT); Than Vàng Danh (TVD)....
Trong ngành tài chính, nổi trội là trào lưu mua lại công ty tài chính của một số ngân hàng và một vài vụ M&A của ngành chứng khoán nhưng thực sự ấn tượng thì không nhiều. Đa phần, đây là tác động tích cực của các động thái tái cơ cấu. >> NHNN từng đặt mục tiêu năm 2014 có 6–7 thương vụ M&A trong ngành ngân hàng
Một số thương vụ M&A tiêu biểu năm 2014 – nguồn IMAA
Năm 2015: Vẫn đón sóng M&A?
Đứng trước cơ hội thương mại lớn từ những hiệp định kinh tế và thương mại lớn như TPP , FTA, doanh nghiệp càng thêm động lực để đẩy nhanh các cuộc M&A để tăng sức mạnh cạnh tranh của mình.
Nỗ lực tái cơ cấu của doanh nghiệp đã và đang nhận được sự quan tâm của Chính Phủ. Ngay từ Nghị quyết 01 đầu năm 2015, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển bền vững đã được Chính Phủ đặt lên làm trọng tâm. Trong bản nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại (M&A) các TCTD dựa trên cơ sở tự nguyện và đúng pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo. ==>>Thúc đẩy nhanh các trường hợp M&A ngân hàng tự nguyện
Ngoài ngành ngân hàng, năm 2014 đã chứng kiến hàng loạt thương vụ điển hình như Vinggoup mua 99% BĐS Hồng Ngân trị giá; Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa mua lại Skypark Residence 285 tỷ; FLC Group mua lại dự án 36 Phạm Hùng 198 tỷ và dự án The Lavender (quận Hà Đông) 41 tầng, Him Lam mua lại dự án khu dân cư Đông Nam từ Hoàng Anh Gia Lai trị giá 1.050 tỷ; Hải Phát cũng đang thâu tóm khu đất 5000m2 mặt đường Nguyễn Xiển, với dự án tháp đôi 27 tầng, quy mô 450 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 1000 tỷ; Novaland đã hợp tác và mua lại nhiều dự án tại TP. HCM như Lexington Residence (quận 2), Icon 56 (quận 4) và Galaxy 9 (quận 4), The Sun Avenue (quận 2), River Gate (quận 4), The Prince Residence…
Đặc trưng của những thương vụ ngành bất động sản là sự xuất hiện của những "ông lớn" có tiềm lực mạnh. Những "ông lớn" này xuất hiện như một tay chơi mới trên thị trường và được kỳ vọng tiếp tục đóng góp sức cho công cuộc phá băng thị trường bất động sản.
Vậy là, sóng M&A hàng tỷ USD có lẽ vẫn được nhà đầu tư kỳ vọng lớn cho năm mới-năm 2015.
Thành Long
Theo InfoNet