Loại hình giao dịch này cũng đã phần nào thể hiện được sự ưu việt của nó trong thời gian qua.
Tuy nhiên, hoạt động repo chứng khoán còn có những điểm hạn chế, bất cập và gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện:
Hạn chế về mặt thị trường cho hoạt động repo chứng khoán
Trên thế giới, các giao dịch kỳ hạn chứng khoán bằng cách sử dụng hợp đồng repo thường được giao dịch trên một thị trường riêng là thị trường repo chứng khoán. Thị trường repo là một bộ phận cấu thành của thị trường cho vay chứng khoán. Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán đã có nhiều năm phát triển, quy mô thị trường đã tăng đáng kể (quy mô vốn hoá thị trường khoảng gần 35% tính đến thời điểm cuối năm 2014). Tuy nhiên, thị trường repo chứng khoán ở Việt Nam chưa thực sự phát triển do còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau:
+ Thứ nhất, trên thế giới, các giao dịch repo được thực hiện bởi các nhà đầu tư có tổ chức, các nhà buôn chứng khoán, đặc biệt các quỹ đầu tư tham gia nhiều vào thị trường này. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam, các quỹ đầu tư chưa tham gia vào hoạt động repo chứng khoán.
+ Thứ hai, thị trường Việt Nam chưa công nhận các nhà môi giới chứng khoán độc lập, quy mô thị trường còn nhỏ so với các nước trên khu vực nên vẫn chưa có các nhà môi giới riêng độc lập cho hoạt động repo chứng khoán.
+ Thứ ba, giao dịch repo chứng khoán có sự tham gia của bên thứ ba không thực hiện được vì thiếu các tổ chức chuyên môn để đại diện cho cả hai bên đi vay và cho vay trong giao dịch repo như các chuyên gia, các tổ chức quản lý tài sản bảo đảm.
Hạn chế về mặt pháp lý
Một trong những điều kiện để thị trường repo chứng khoán phát triển, từ đó thúc đẩy các hoạt động của thị trường chứng khoán nói chung phát triển là phải có một hành lang pháp lý cụ thể và an toàn quy định về hoạt động repo chứng khoán. Trên thực tế, dù trong thời gian qua, hợp đồng repo chứng khoán đã được nhiều công ty chứng khoán triển khai mạnh, nhưng một quy chế pháp lý cho loại giao dịch này vẫn chưa được thiết lập rõ ràng. Bởi vậy, việc ký kết các hợp đồng repo trên thị trường chứng khoán hiện đang ở trong tình trạng mạnh ai nấy làm, không theo một “quy chuẩn” pháp lý nào. Chính vì chưa có bất cứ một hướng dẫn nào từ cơ quan có thẩm quyền, nên các công ty chứng khoán đã tự soạn sẵn những hợp đồng repo với tính chất như một hợp đồng mẫu, trong đó thiết kế những điều khoản có lợi cho mình để các nhà đầu tư ký. Hệ quả là khi xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư (trong đó có không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn, ít kinh nghiệm, thiếu thông tin) sẽ là người bị thua thiệt.
Ảnh hưởng bởi tốc độ xuống dốc của thị trường
Mặc dù hoạt động repo chứng khoán được diễn ra khá sôi động tuy nhiên, trên thực tế, những rủi ro của việc repo chứng khoán trong những năm trở lại đây là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kinh tế vĩ mô diễn biến phức tạp đã khiến kết quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhiều công ty rơi vào tình trạng thua lỗ khiến giá các loại chứng khoán giảm mạnh. Từ đó, nhiều hợp đồng repo đã không tất toán được như cam kết, gây rủi ro cho nhà đầu tư lẫn các công ty chứng khoán.
Tình trạng mất thanh khoản của thị trường làm ảnh hưởng tới việc xử lý các hợp đồng Repo
Với tình hình ảm đạm của thị trường chứng khoán những năm vừa qua, hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư cũng giảm sút, khả năng trả nợ hay bổ sung tài sản của các nhà đầu tư vì thế cũng giảm theo, dẫn đến hoạt động repo chứng khoán tại các công ty chứng khoán gặp rất nhiều khó khăn.
Thông thường, hoạt động repo sẽ mang lại lợi ích cho các bên nếu thị trường có tính thanh khoản cao. Tuy nhiên, nếu tình hình thị trường ảm đạm thì hiệu quả kinh doanh qua nghiệp vụ repo của nhà đầu tư cũng giảm sút, khả năng có tiền để mua lại cổ phiếu của mình sẽ khó thực hiện được, điều này đã tác động đến hoạt động của chính công ty chứng khoán. Tình trạng mất thanh khoản của thị trường đã làm ảnh hưởng tới việc xử lý các hợp đồng repo.
Hoạt động repo chứng khoán góp phần làm tăng ảo giá chứng khoán
Việc thực hiện repo để đầu tư chứng khoán cũng giống như hoạt động đầu tư mạo hiểm. Nhà đầu tư tận dụng nguồn vốn của các công ty chứng khoán để repo cổ phiếu rồi dùng tiền mua tiếp cổ phiếu khiến giá bị đẩy lên, một khi các nhà đầu tư đặt lệnh mua với khối lượng lớn sẽ tạo cầu ảo và đẩy giá cổ phiếu tăng cao mà không phải là sự tăng trưởng thực của các doanh nghiệp.
Chính điều này tạo điều kiện cho một số nhà đầu cơ lợi dụng để trục lợi và làm lũng đoạn thị trường. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn vay được từ repo chứng khoán để rồi lại tiếp tục mua cổ phiếu để “lướt sóng” khiến giá thị trường cổ phiếu bị đẩy lên, dẫn đến việc tăng giá ảo chứ không phải giá cổ phiếu tăng do sự tăng trưởng thực sự của doanh nghiệp. Dưới góc độ này, chính nghiệp vụ repo đã góp phần làm tăng ảo giá cổ phiếu.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, đặc biệt là rủi ro từ biến động giá
Chứng khoán sẽ mất giá nếu thị trường diễn biến ảm đạm. Nhà đầu tư có thể sẽ không mua lại chứng khoán như đã cam kết. Khi đó, công ty chứng khoán phải ôm luôn chứng khoán bị mất giá. Để thu hồi vốn, họ buộc phải thanh lý những chứng khoán cầm cố. Công ty chứng khoán sẽ phải đối mặt với những rủi ro từ khách hàng. Đa số nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam đều thiếu tiềm lực tài chính, nên khi gặp diễn biến bất lợi, họ tháo bán cổ phiếu để cắt lỗ.
Ngoài ra, repo là một hoạt động rất nhạy cảm và rủi ro của nó không chỉ phụ thuộc vào “sức khoẻ” của các doanh nghiệp trong nước, khả năng tài chính của nhà đầu tư hay trình độ quản lý của cơ quan có thẩm quyền, mà nó bị tác động rất lớn từ tình hình kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã khiến nhiều công ty rơi vào tình trạng thua lỗ khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, từ đó, nhiều hợp đồng repo không tất toán được, gây rủi ro không chỉ cho nhà đầu tư mà còn cho bản thân các công ty chứng khoán. Tuy có những điểm hạn chế nêu trên, vẫn cần khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, repo chứng khoán là loại giao dịch đem lại cho các bên những lợi ích nhất định. Chính vì lẽ đó mà trong thời gian qua, hình thức repo chứng khoán vẫn được các nhà đầu tư và các công ty chứng khoán sử dụng.
Trên đây là một số hạn chế của hoạt động repo chứng khoán trong thời gian qua. Theo tác giả đó chính là một trong những nguyên nhân tạo nên sự phát triển ảm đạm của thị trường chứng khoán Việt nam.
Ts. Bùi Quang Tín
Theo InfoNet