Theo Bloomberg, các chuyên gia chứng khoán đang hoạt động ở Việt Nam nhận định chỉ số VnIndex sẽ đạt đỉnh cao nhất 7 năm trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế tăng tốc giúp đẩy tăng lợi nhuận và mức giá trị rẻ nhất ở Đông Nam Á sẽ giúp thu hút nhà đầu tư.
11 chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg đã đưa ra mức dự báo trung bình rằng chỉ số VnIndex sẽ tăng lên mức khoảng 655 điểm vào cuối năm 2015, tức tăng 15% so với mức điểm đóng cửa phiên hôm qua. Hệ số P/E của chứng khoán Việt Nam đang ở mức 12,5 lần, thấp hơn mức 14,3 lần của chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương.
Các chuyên gia phân tích này cũng dự báo lợi nhuận của các công ty trong chỉ số VnIndex sẽ tăng 10% trong 12 tháng tới, vượt trội so với mức giảm 2% của các công ty thuộc chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 6% lần đầu tiên kể từ năm 2011 vì đầu tư nước ngoài thúc đẩy xuất khẩu, các ngân hàng tăng cường cho vay và lạm phát thấp khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu.
“Mức giá và các yếu tố vĩ mô cơ bản tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng điểm”, Patrick Mitchell, trưởng bộ phận khách hàng doanh nghiệp của công ty chứng khoán VinaSecurities, nhận định.
Mitchell dự đoán chỉ số VnIndex có thể tăng lên mức 680 điểm trong năm nay và khuyến khích nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu của các công ty công nghệ và hàng tiêu dùng thiết yếu. Các cổ phiếu ưa thích của ông là Thế giới di động, FPT, Vinamilk và Masan.
Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số VN Index đã tăng 4,3%, đóng cửa phiên hôm qua ở mức 569,12 điểm. Trong năm 2014, VnIndex tăng tổng cộng 8,1%.
Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn bị bao phủ bởi nợ xấu của khu vực ngân hàng – yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế chạm đáy 13 năm vào năm 2012. Mặc dù Moody’s đã nâng triển vọng ngành ngân hàng từ ổn định lên tích cực hồi tháng 12, tổ chức xếp hạng này cũng cảnh báo lợi nhuận của các ngân hàng vẫn phải chịu nhiều áp lực.
Các nhà đầu tư ngoại cũng phải đối mặt với khối lượng giao dịch thấp và những giới hạn trong tiếp cận cổ phiếu. Quá trình nâng giới hạn cho tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết diễn ra khá chậm chạp. Hôm 5/1, Ủy ban chứng khoán cho biết sẽ trình kế hoạch mới nhất lên chính phủ trong quý III.
Năm ngoái, trung bình giá trị các cổ phiếu được giao dịch trên HOSE là 2.200 tỷ đồng mỗi ngày, chưa bằng 1/4 khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán Indonesia (theo số liệu của Bloomberg).
Mặc dù khối ngoại vẫn mua ròng 9 tháng liên tiếp trong năm 2014, tổng cộng 136 triệu USD được rót vào chứng khoán Việt Nam, nhỏ hơn rất nhiều so với mức 3,76 tỷ USD và 1,25 tỷ USD lần lượt được đổ vào chứng khoán Indonesia và Philippines.
Kevin Snowball, CEO của quỹ PXP Vietnam, dự báo trong thời gian tới nhà đầu tư ở Việt Nam sẽ đa dạng hơn (thay vì chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ như hiện nay) nhằm giảm biến động và đạt được mức tăng điểm bền vững trong dài hạn.
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Cương (đến từ quỹ đầu tư Manulife) cho rằng tăng điểm sẽ là xu hướng của chứng khoán Việt trong năm 2015. Bà dự đoán đến tháng 12 VnIndex sẽ chạm mốc 655 điểm, đồng thời nhận định các cổ phiếu ngân hàng “có cơ hội tăng điểm tốt trong ngắn hạn sau khi NHNN tuyên bố sẽ đẩy mạnh hoạt động sáp nhập”. Các cổ phiếu được bà Cương khuyến nghị là Vinamilk và Masan.
Thu Hương
Theo InfoNet/Bloomberg