Ngày 11-3-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh Việt Nam. Và kể từ năm 2017 trở đi thì sẽ vận hành thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh do Sở GDCK Việt Nam tổ chức quản lý. Năm 2017 đã gần kề nhưng có lẽ thuật ngữ “chứng khoán phái sinh” còn khá xa lạ đối với nhiều doanh nghiệp và với nhiều người. Chứng khoán phái sinh (derivatives securities) có tên gọi như vậy là bởi giá trị của loại chứng khoán này phụ thuộc vào giá trị của tài sản khác (tài sản khác này gọi là tài sản cơ sở - underlying asset). Mục đích chính khi giao dịch chứng khoán phái sinh là: Phòng ngừa rủi ro (hedging); Đầu cơ (speculating); Kinh doanh chênh lệch giá (arbitraging). Cơ chế hoạt động của chứng khoán phái sinh khá là phức tạp, đòi hỏi phải có những am hiểu nhất định.
Trên thực tế, tại Việt Nam các sản phẩm phái sinh đã xuất hiện trên thị trường cách đây hơn 10 năm, nhưng nghiệp vụ này hiện tại vẫn chưa phát triển mạnh. Giao dịch kỳ hạn xuất hiện với tư cách là công cụ tài chính phái sinh đầu tiên ở Việt Nam theo quyết định số 65/1999/QĐ-NHNN7 ngày 25/2/1999. Giao dịch hoán đổi cũng xuất hiện khá sớm theo quyết định số 430/QĐ-NHNN13 ngày 24/12/1997 và sau này là quyết định số 893/2001/QĐ-NHNN ngày 17/7/2001 của thống đốc NHNN.
Vì vậy để thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động và thật sự có hiệu quả thì cần phải có những giải pháp tầm vĩ mô.
- Thứ nhất, phát triển đồng bộ thị trường tài chính tiền tệ
Giao dịch tài chính phái sinh không thể tách rời các giao dịch về công cụ tài chính cơ sở. Do vậy để hình thành các hợp đồng phái sinh trước hết cần có các công cụ tài chính cơ sở phục vụ cho việc trao đổi trong mỗi hợp đồng. Mặt khác các công cụ tài chính cơ sở phải đa dạng để thúc đẩy thị trường tài chính phái sinh phát triển. Mức độ đa dạng của công cụ tài chính cơ sở lại hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ phát triển của thị trường tài chính.
- Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường tài chính, tiền tệ và các sản phẩm tài chính phái sinh
Hệ thống khung pháp lý là cơ sở quan trọng nhất quy định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thị trường phái sinh và tạo nên những rào chắn bảo vệ sự lành mạnh của thị trường tài chính, đồng thời các văn bản pháp luật cũng là cơ sở quan trọng cho những dịch vụ mới ra đời. Như vậy môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực pháp lý cao là điều kiện cần cho sự hình thành và phát triển của thị trường tài chính phái sinh. Hơn nữa do tính chất phức tạp của giao dịch sản phẩm tài chính phái sinh khiến cho hoạt động của các công cụ này nhạy cảm với hành vi gian lận, tiêu cực. Trên thị trường phái sinh có nhiều đối tượng tham gia như: các nhà kinh doanh, nhà đầu cơ, nhà môi giới… Mỗi người tham gia trên thị trường đều vì mục đích khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vì vậy nguy cơ rủi ro cũng như khả năng thu lợi trên hợp đồng phái sinh là rất lớn. Do đó ngoài việc ban hành mới và bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật để quy định nguyên tắc và tổ chức hoạt động của thị trường phái sinh, thì việc điều hành và giám sát hoạt động của thị trường cũng rất cần thiết.
- Thứ ba, hoàn thiện những quy định về tài chính kế toán liên quan đến sản phẩm tài chính phái sinh
Do các đặc điểm phức tạp và tính chất mới mẻ của các sản phẩm phái sinh nên cho tới bây giờ các chuẩn mực kế toán vẫn chưa theo kịp hạch toán và quản lý các công cụ phái sinh. Các công cụ phái sinh được ghi chép vào các tài khoản ngoài bảng cân đối kế toán, vì thế rất khó xác định từ báo cáo truyền thống các công cụ phái sinh nào được sử dụng và tác động của những giao dịch phái sinh lên thu nhập của công ty như thế nào.
Do đó trong thời gian tới Bộ Tài chính cần phải hoàn thiện chế độ hạch toán kế toán đối với các sản phẩm tài chính để thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm này trong phòng ngừa rủi ro.
- Thứ tư, phát triển hệ thống các trung gian tài chính
Các hợp đồng phái sinh được thực hiện thông qua các nhà môi giới trung gian và qua sàn giao dịch để đảm bảo việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Với vai trò trung gian trong các hợp đồng, những nhà môi giới sẽ kết nối người mua và người bán với nhau, đồng thời yêu cầu người mua người bán ký quỹ nên khả năng thực hiện hợp đồng phái sinh cao.
Do vậy cần phải phát triển các trung gian tài chính với vai trò là người môi giới và cung cấp các sản phẩm tài chính phái sinh cho doanh nghiệp.
- Thứ năm, đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ hiện đại
Công nghệ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình cung cấp, xử lý thông tin để đi đến quyết định trong giao dịch, ảnh hưởng đến kết quả tính toán và quá trình thanh toán, cũng như quá trình kiểm soát rủi ro. Để phát triển nghiệp vụ sản phẩm tài chính phái sinh các NHTM, trung gian tài chính với vai trò môi giới, cung cấp sản phẩm tài chính phái sinh cần phải có những đầu tư nhất định về vốn và nhân lực để hiện đại hóa công nghệ.
- Thứ sáu, đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thông tin hiểu biết về sản phẩm phái sinh
Thị trường phái sinh là lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi phải có kiến thức, trình độ chuyên môn cao, nhưng hiện nay còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Cho nên việc đào tạo phải gắn kết với hoạt động mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chính sách phát triển và quản lý thị trường.
ThS. Bùi Thị Hà Linh
Theo InfoNet