“Tính đến nay, khối ngoại đã có những động thái đầu tiên để mở đầu cho chu kỳ giải ngân sau khi đã hoàn thành việc cơ cấu danh mục dài hạn. Lượng mua ròng dần và liên tiếp cho thấy Việt Nam vẫn đang là một trong những sự lựa chọn tiềm năng của dòng vốn ngoại” – các chuyên gia của CTCK Ngân hàng Ngoại thương VCBS đã đánh giá như vậy trong báo cáo Triển vọng 2015 mới đây.
Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng lượng giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2015 vẫn ở mức tương đối cao, có sức ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chung và tập trung chủ yếu tại các bluechips đầu ngành có triển vọng sáng, bên cạnh các midcap tiềm năng.
Áp lực thoái vốn đối với khối ngoại trong quý 4/2014
Trong năm 2014, khối ngoại chỉ mua ròng 3.747 tỷ đồng – giảm gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Khác với các năm trước, trong quý 4/2014, bán ròng là xu hướng chính của khối ngoại. Theo VCBS, nguyên nhân dẫn đến động thái này xuất phát từ việc giá dầu giảm mạnh kéo theo việc khối ngoại phải cơ cấu danh mục theo hướng bán ra một cách dứt khoát các mã Dầu khí vốn chiếm tỷ trọng cao trong danh mục dài hạn và mua vào dần các cổ phiếu đầu ngành khác. Nguyên nhân thứ 2 là việc Mỹ chấm dứt gói QE3 trong khi nền kinh tế EU và Nhật Bản rơi vào suy thoái trầm trọng khiến cho dòng vốn ngoại cần có thời gian để định hướng lại.
Danh sách các mã bị bán ròng mạnh nhất xuất hiện những cái tên quen thuộc được khối ngoại mua ròng mạnh trong những năm trước như KDC, HAG, HPG… cho thấy mục đích cơ cấu danh mục của họ là khá rõ ràng. Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa trung bình với yếu tố cơ bản tốt đã được khối ngoại quan tâm hơn. VCBS đánh giá, cơ hội đối với các cổ phiếu này đã bắt đầu được mở rộng dần ra và có thể trở thành tâm điểm trong thời gian tới.
Và họ sẽ trở lại sôi nổi trong quý I/2015?
Theo dữ liệu lịch sử, dòng vốn ngoại thường giải ngân khá mạnh từ giữa Quý 4 năm trước để mở đầu cho một chu kỳ đầu tư mới trong năm tiếp theo. Tuy nhiên năm nay có phần trễ hơn khi giá Dầu thô bắt đầu lao dốc và ảnh hưởng đến thời gian cũng như quyết định đầu tư của họ. Theo VCBS, tính đến nay, khối ngoại đã có những động thái đầu tiên để mở đầu cho chu kỳ giải ngân sau khi đã hoàn thành việc cơ cấu danh mục dài hạn. Lượng mua ròng dần và liên tiếp cho thấy Việt Nam vẫn đang là một trong những sự lựa chọn tiềm năng của dòng vốn ngoại.
Cơ sở cho đánh giá này trước hết từ phía trong nước với chính trị ổn định; thiên tai không quá thường xuyên và gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế; nền kinh tế duy trì sự ổn định và phục hồi đúng hướng; ngoài ra, dự luật nới room cho công ty chứng khoán và các doanh nghiệp niêm yết nếu sớm được thông qua cũng sẽ tạo động lực không nhỏ góp phần thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài tại các cổ phiếu đã hết room ngoại.
Từ phía thế giới, các nền kinh tế lớn vẫn đang duy trì và đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng kích thích kinh tế như Nhật Bản, châu Á, Trung Quốc và có thể cho thấy sự cải thiện tích cực trong tăng trưởng khi các biện pháp này phát huy hiệu quả sau độ trễ thời gian trước đó; Mỹ được kỳ vọng sẽ giữ mặt bằng lãi suất thấp trong 6 tháng đầu năm 2015; và cuối cùng là hiệu ứng dòng vốn rẻ tại các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam lớn.
VCBS lưu ý, bước sang năm 2015, những tín hiệu tích cực từ 2 quỹ ETFs ngoại lớn và tiêu biểu ở Việt Nam là FTSE và VNM đã được ghi nhận. Tính đến 14/01, quỹ VNM đã huy động thêm 1 triệu chứng chỉ quỹ, còn FTSE cũng ghi nhận tăng thêm 247.500 chứng chỉ quỹ tương đương 350 tỷ đồng mua ròng trên thị trường trong vòng chưa đầy 2 tuần đầu năm.
Đây cũng có thể xem như một dấu hiệu về chu kỳ giải ngân mới của khối ngoại đã bắt đầu.
Mai Linh
Theo Trí thức trẻ