Thị trường kết thúc tuần giao dịch vừa qua bằng một phiên giảm điểm. Nỗ lực bứt phá tăng hơn 10 điểm của phiên trước đó chưa kịp bị lấy đi thành quả nhưng dù sao phiên giảm điểm cũng khiến nhà đầu tư dừng lại để suy nghĩ định hướng đầu tư cho mình.
Có lẽ, trước phiên giao dịch cuối tuần, nhiều nhà đầu tư đứng về phương án phiên cuối tuần sẽ tăng nhẹ để củng cố xu hướng thiết lập phiên thứ 5. Thế nhưng, nhóm nhà đầu tư này đã sai. Hoạt động tái cơ cấu danh mục của ETF đã đảo lộn mọi toan tính của nhà đầu tư. Phiên ATC khép lại với giao dịch khủng tại những cổ phiếu được cơ cấu. Nhà đầu tư nội như thể đã "gom góp" cổ phiếu SSI suốt cả tuần ròng để bán vào cuối tuần qua!
Nhưng nhìn cho kỹ lại thì phiên cuối tuần qua, cuộc chơi thuộc về số ít. Thị trường chứng khoán chung giảm điểm chủ yếu vì tâm lý của nhà đầu tư trong cơn bão giao dịch của ETFs.
Chứng khoán kết thúc một tuần giao dịch đầy cảm xúc và sắp bắt đầu một tuần mới với nhiều kỳ vọng. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trên thị trường chứng khoán đã bắt đầu nhìn nhận thị trường với xu hướng lạc quan. Vị chuyên gia này nhận định, thông tin trên thị trường có thể vẫn còn nhiều e ngại nhưng P/E của thị trường chứng khoán Việt đang ở mức hấp dẫn để mua. Còn vài phiên cuối của năm 2014, có lẽ đây là cơ hội cuối của năm!
Trong bản tin tổng hợp thị trường cuối tuần qua của Chứng khoán IVS, Công ty chứng khoán này cũng đã có những nhận định đáng chú ý về thị trường. Động từ "bắt đáy" được CTCK này nhấn mạnh và với tín hiệu đó, IVS cho rằng nhiều khả năng thị trường sẽ giao dịch chậm lại và sự phân hóa sẽ diễn ra. Và cho dù sự khó khăn nếu có xuất hiện thì vùng 500-510 điểm có thể sẽ là điểm hỗ trợ mạnh cho thị trường. Chứng khoán Đầu tư Việt Nam-IVS đưa ra 3 lý do để tin vào nhận định trên:
Thứ nhất là ảnh hưởng từ giá dầu sẽ không còn quá lớn khi mức giá hiện tại đã gần sát với mức thấp nhất mà các chuyên gia dự báo. Vì thế nó sẽ không gây ra những cú sốc mạnh trong khi giá của hàng loạt cổ phiếu dầu khí cũng đã chạm đến vùng hỗ trợ mạnh nên mức giảm (nếu có) cũng sẽ bớt sốc hơn.
Thứ 2 là sau nhiều lần giảm mạnh và đột ngột khiến cả những cổ phiếu cơ bản cũng bị rơi vào tình trạng call margin thì lượng sử dụng công cụ này ngày càng thấp đi. Đó có thể là áp lực cuối cùng của sự chịu đựng với NĐT, và hẳn họ không còn tin vào thị trường nữa. Một sự cảnh giác cũng như an toàn được đặt lên hàng đầu và có thể sẽ là một sự chấp nhận thua cuộc bằng cách đóng tài khoản chuyển sang trạng thái ngủ đông. Đâu đó trước nhịp giảm này điều đó cũng đã xảy ra khi KLGD đã có tín hiệu co hẹp, ngoại trừ phiên sụt giảm mạnh đẩy giá cổ phiếu giảm sâu và kích thích lòng tham bắt đáy.
Và cuối cùng là vùng 500-510 điểm này đã có một khoảng thời gian dài xây đắp nền móng nên để tụt rời khỏi ngưỡng này cần một thời gian đủ dài.
Phương Chi
Theo Infonet