Thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ đầu năm đến nay, đã có thêm 48 doanh nghiệp đăng ký niêm yết, trong đó có 13 doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch HNX và 35 doanh nghiệp Upcom. Các gương mặt mới trên HNX được đánh giá là “rất năng động” khi tạo nên một xu hướng “lên sàn tăng giá” tại đây.
Trong khi đó, sàn Hồ Chí Minh có thêm 09 doanh nghiệp mới niêm yết với những cái tên “khủng” như Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (mã: BID – niêm yết ngày 16/01/2014) và CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (mã: MWG – niêm yết ngày 07/07/2014). Mã SHP của Thủy điện miền Nam được chuyển từ Upcom sang.
Ông lớn mở hàng
Mở hàng cho Sàn HOSE năm 2014 là cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chào sàn giá 18.700 đồng và chiếm hơn 5% tổng vốn hóa thị trường. Sau phiên chào sàn đầu tiên tăng giá lên 18.800 đồng), cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có 3 phiên giảm giá liên tiếp. Và có lẽ thời của cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa trở lại nên diễn biến giá của BID trong năm chưa thể khiến nhà đầu tư hài lòng.
Lên sàn tăng giá và phát hành cổ phiếu tăng vốn
Hiện tượng này đã được phản ánh nhiều trong năm qua khi MWG, GTN, TVC, NDF, VMI, NFC… liên tục tăng giá, thậm chí là tăng trần nhiều phiên kể từ ngày niêm yết.
Đơn cử, TVC niêm yết ngày 23/09/2014, tăng trần nhiều phiên và đạt mức giá cao nhất là 36.500 đồng vào ngày 28/11, tức đã tăng 127,2% trong 2 tháng. NDF có mức tăng gần 111% trước khi hạ nhiệt, GTN cũng tăng liên tục với mức tăng trưởng giá hơn 99% còn VMI đã tăng 82,1% từ khi niêm yết đến nay.
Đồ thị VMI:
MWG niêm yết ngày 14/07/2014, tăng trần 5 phiên và tiếp tục đi lên đến khi đạt mức giá cao nhất tại 175.000 đồng vào ngày 3/10/2014, mức tăng là 117,4%.
Đồ thị MWG:
Nhiều trong số những cổ phiếu có sự tăng trưởng ấn tượng này sau đó đã tung ra kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Cổ phiếu CEO của CTCP Đầu tư C.E.O đã tăng trần trong vòng 3 phiên đầu. Và dù sau đó diễn biến giá không được như ý thì HĐQT của CEO vào ngày 7/10/2014 đã kịp thông qua nội dung về đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào quý IV/2014 để tăng vốn lên gấp đôi.
Hay CTCP Chế biến Thực phẩm nông sản Xuất khẩu Nam Định(mã: NDF) ngày 8/10/2014 cũng đã có nghị quyết HĐQT về việc phát hành thêm cổ phiếu theo 3 phương án gồm cả phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty và phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn lên 2,74 lần.
Dự kiến trong tháng 12/2014, tổng số lượng cổ phiếu NDF phát hành theo 3 chương trình này là 9,85 triệu đơn vị, bằng 174% số lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Với mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho tất cả các đối tượng, số tiền dự kiến thu về của NDF là 98,5 tỷ đồng.
CTCP Thế giới Di động (mã: MWG) phát hành 43,9 triệu cổ phiếu trong đó phát hành 4,2 triệu cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần và chi trả tạm ứng cổ tức 39,7 triệu cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế. Không dừng lại ở đó, MWG còn phát hành hơn 5,3 triệu cổ phiếu thưởng theo chương trình lựa chọn cho cán bộ quản lý chủ chốt của Công ty và các công ty con.
Sau những lần phát hành cổ phiếu này, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của MWG là gần 112 triệu đơn vị. Với mức giá đóng cửa ngày 19/12/2014 là 102.000 đồng/cp, MWG đang có vốn hóa 11.419 tỷ đồng.
Ngày 19/12 vừa qua, CTCP Khoáng sản Visaco (mã: VMI) cũng đã thông qua phương án phát hành 270.000 cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành 230.000 cổ phiếu ESOP để tăng vốn điều lệ cùng với 300.000 trái phiếu chuyển đổi.
Nhưng cũng không ít trường hợp rớt thảm
Những doanh nghiệp không có kế hoạch tăng vốn thì dường như cổ phiếu rơi vào tình trạng ảm đạm hơn, nhiều cổ phiếu chỉ sau giai đoạn hào hứng ban đầu đã nhanh chóng rớt thảm như PEN, NFC, KSK, BAM… NFC hiện đang ở trong tình trạng không có giao dịch từ giữa tháng 10 đến nay.
Cổ phiếu PEN của CTCP Xây lắp III Petrolimex giao dịch phiên đầu tiên vào 25/9 với giá tham chiếu 15.000 đồng, tăng kịch biên độ (30%) lên 19.500 đồng nhưng ngay sau đó đã hứng trọn 3 phiên giảm sàn và đã liên tục giảm giá cho đến nay. Kết thúc phiên 19/12, PEN còn 14.400 đồng/cổ phiếu.
CTCP dây cáp điện Việt Thái (mã: VTH) sau 4 phiên tăng trần kể từ khi niêm yết thì đã rơi vào chuỗi ngày chìm trong sắc đỏ. Đáng gờm hơn là QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình - tăng trần 6 phiên kể từ ngày niêm yết rồi bắt đầu giảm sàn liên tục trước sự bán ra của cổ đông lớn là CTCP chứng khoán IB (mã: VIX). Đầu tháng 12 năm nay, QBS đã thông qua việc tạm ứng cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.
Riêng cổ phiếu GTN của CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất sau thời gian tăng trưởng đạt 99% đã rơi rất nhanh và hiện đã trở về với mức giá trong ngày đầu niêm yết.
Đồ thị GTN:
Bảo Ngọc
Theo Infonet