Các chỉ số chứng khoán trên cả 2 sàn TP HCM và Hà Nội đã hồi phục trong phiên ngày 18-12 sau khi bị “đạp” mạnh trong những ngày trước. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn còn ôm nợ vì giá cổ phiếu đã giảm mạnh so với thời điểm trước. Các nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam không có lý do gì giảm giá quá đà như vậy.
Thua lỗ
Ông Nguyễn Hoàng P. - nhà ở quận 7, TP HCM - cho biết ông đã mất trên 200 triệu đồng chỉ trong 2 tuần vì lỡ “bắt đáy” (mua khi giá giảm) cổ phiếu GAS. Đây là cổ phiếu của tổng công ty lớn (Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP), hiệu quả làm ăn tốt, có thời điểm giá lên đến 120.000 đồng/cổ phiếu. Khoảng 2 tuần trước, khi cổ phiếu này rớt mạnh về mức 86.000 đồng/cổ phiếu, ông P. nhận thấy đây là mức giá hấp dẫn nên đã đầu tư 860 triệu đồng để mua 10.000 cổ phiếu.
Những ngày sau đó, giá cổ phiếu GAS không ngừng đi xuống. Đến ngày 15-12, không còn đủ kiên nhẫn, ông P. buộc phải bán “cắt lỗ” khi giá chỉ còn 65.000 đồng/cổ phiếu. “Tôi định sẽ bắt đáy nhưng cuối cùng là “bắt dao rơi”. Thấy 2 phiên vừa rồi thị trường đi xuống, tôi nghĩ mình đã quyết định đúng khi “cắt lỗ” ở mức giá 65.000 đồng nhưng phiên 18-12, cổ phiếu này tăng trần trở lại nên càng thấy xót” - ông P. nói.
Những trường hợp “bắt dao rơi” như ông P. trên thị trường trong tuần qua không phải hiếm. Thậm chí, nhiều người còn vay tiền công ty chứng khoán, ngân hàng để mua cổ phiếu rẻ nhưng cuối cùng phải lãnh nợ. Thị trường càng giảm, công ty chứng khoán đồng loạt bán giải chấp những cổ phiếu mà nhà đầu tư đã cầm cố để vay tiền, giá càng rớt mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18-12, VN-Index phục hồi 10,23 điểm, vượt lên 528,45 điểm. Chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội lên 2,09 điểm, đạt 82,7 điểm. Toàn thị trường có 346 mã tăng giá, 102 mã giảm và 90 mã đứng giá tham chiếu. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường cả 2 sàn phiên này đạt trên 2.800 tỉ đồng, giá trị giảm gần 30% so với phiên hôm trước. Các cổ phiếu ngành gas, xăng dầu và bất động sản đảo chiều tăng trần sau nhiều ngày giảm mạnh như: GAS, PVD, PTL, PTK, PTC…
Mặc dù vậy, nếu tính từ đầu tháng 12 trở lại đây, VN-Index vẫn mất gần 40 điểm. Rất nhiều cổ phiếu giảm từ 20% - 30% giá trị.
Không đáng giảm như thế
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 18-12, thị trường hồi phục trở lại một phần do tâm lý nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn so với phiên trước. Tuy nhiên, tác động lớn vẫn do thông tin giá dầu thế giới phục hồi nhẹ và Ngân hàng Trung ương Nga bán ra ngoại tệ dự trữ để hỗ trợ đồng rúp.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital, cho biết tận dụng việc giá cổ phiếu giảm mạnh, ông đã bỏ ra trên 100 tỉ đồng để mua vào. “Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bán cổ phiếu để thu tiền về một phần có thể do lo lắng tình hình kinh tế thế giới ảnh hưởng, đồng tiền Nga mất giá bởi giá dầu. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không thái quá như vậy” - ông Andy Ho nhận định.
Với kinh nghiệm đầu tư lâu năm tại Việt Nam, ông Andy Ho cho rằng đến nay, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn hoạt động ổn định, lợi nhuận tốt. Chưa kể tại Việt Nam, không phải tất cả doanh nghiệp trong ngành đều thua lỗ do giá dầu giảm bởi họ đã ký hợp đồng kinh doanh từ trước. Còn ở góc độ thị trường thì giá dầu giảm, người tiêu dùng và một số doanh nghiệp được hưởng lợi, qua đó kích thích tiêu dùng là điều khá tốt cho nền kinh tế.
Xử lý hành vi thao túng thị trường
Trước hiện tượng nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã phát đi thông điệp nhằm trấn an nhà đầu tư. Cụ thể, SSC khuyến cáo nhà đầu tư cần bình tĩnh, tránh bị lợi dụng. SSC cũng yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán tăng cường công tác giám sát những giao dịch bất thường, xử lý nghiêm các hành vi làm giá, thao túng thị trường.
Người Lao động