Ảnh hưởng của thông tư 36 lên tiến trình cổ phần hóa

Trí Thức Trẻ- 27/11/2014

 

Xét trên khía cạnh toàn bộ hệ thống cũng như từ ngân hàng thương mại thì Thông tư 36 rõ ràng sẽ làm hạn chế luồng vốn đổ vào thị trường cổ phiếu và/hoặc lãi suất của luồng vốn này cũng như giá của cổ phiếu.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành và có hiệu lực từ 1/2/2015 với các giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Do thông tư này có những điều khoản liên quan đến việc mua và nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp nên nhiều người lo ngại nó có thể siết dòng vốn vào thị trường chứng khoán, làm giảm giá cổ phiếu và làm chậm quá trình cổ phần hóa.

Để trấn an, NHNN giải thích rằng giới hạn 5% vốn điều lệ, vốn được cấp là tổng mức dư nợ cấp tín dụng của các ngân hàng đối với tất cả các khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu, chứ không phải là giới hạn cho đầu tư chứng khoán nói chung như trong các quy định trước đây, vốn có phạm vi rộng hơn. Thêm nữa, NHNN cũng cho biết cho đến nay tỷ lệ đầu tư cho cổ phiếu chỉ xoay quanh 4% (của vốn điều lệ/vốn tự có). Như thế, theo NHNN, Thông tư 36 không hoàn toàn siết vốn vào thị trường chứng khoán vì lâu nay thị trường chưa bao giờ dùng hết hạn mức cấp tín dụng cho cổ phiếu. Thậm chí NHNN còn cho rằng thông tư 36 còn thúc đẩy thị trường chứng khoán cả về nguồn lực và chất lượng vì nhiều ngân hàng có vốn điều lệ lớn chưa bao giờ dùng hết (hạn mức) 5% cho vay đầu tư cổ phiếu.

Về quan điểm trên của NHNN có mấy ý cần được làm rõ hơn như sau:

Thứ nhất, theo số liệu thống kê của NHNN, vốn tín dụng của ngân hàng đổ vào thị trường chứng khoán đã trên dưới 4%, nên so với hạn mức 5% thì “room” còn lại trong tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu chỉ là trên dưới 1% tổng vốn điều lệ/vốn tự có của hệ thống ngân hàng.

Cũng theo số liệu thống kê trên Website của NHNN thì tổng vốn tự có của các ngân hàng thương mại (bao gồm ngân hàng Thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài) là 478.883 nghìn tỷ đồng, và vốn điều lệ là 411.940 nghìn tỷ đồng, tính đến tháng 9/2014.

Do đó 1% trên tổng vốn tự có hoặc vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại như nói trên sẽ tương ứng là 4.789 nghìn và 4.110 nghìn tỷ đồng. “Room” còn lại này sẽ là quá nhỏ để giúp cho thị trường chứng khoán hấp thụ thêm những đợt IPO lớn hàng nghìn tỷ đồng trong tương lai như những đợt IPO của Vietnam Airlines (1.093 nghìn tỷ) hoặc Vinatex (1.216 nghìn tỷ), chưa kể hàng loạt vụ IPO của các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Nói cách khác, mặc dù hệ thống ngân hàng thương mại hiện tại vẫn chưa dùng hết hạn mức cấp tín dụng tương đương 5% vốn điều lệ/vốn tự có của mình, nhưng nếu như trong thời gian sắp tới việc cổ phần hóa và thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, sẽ được diễn ra đồng loạt theo đúng kế hoạch thì hoàn toàn có thể kỳ vọng có một phần (đáng kể) nhu cầu tín dụng để đầu tư kinh doanh những cổ phiếu mới phát hành và/hoặc do thoái vốn này sẽ không được đáp ứng bởi các ngân hàng thương mại do chúng đã hết “room”. Hậu quả sẽ là những cổ phiếu này sẽ bị ế và/hoặc buộc phải bán với giá rẻ (giả thiết là những điều kiện khác, ví dụ như sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài và luồng vốn của họ đổ vào, không thay đổi). Đây là một trong những trở ngại có thể sẽ cản trở tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn của DNNN hoặc sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu của quá trình này.

Thứ hai, ngay cả việc NHNN cho rằng nhiều ngân hàng lớn vẫn chưa dùng hết hạn mức đầu tư cổ phiếu của mình cũng không làm thay đổi đáng kể được tình hình. Như đã tính toán ở trên, room cho vay đầu tư cổ phiếu còn lại tính cho cả hệ thống ngân hàng thương mại chỉ là dưới 5.000 tỷ đồng nên cho dù có một số ngân hàng (lớn) nào đó chưa dùng hết hạn mức thì tổng khối lượng tín dụng chúng có thể cho vay thêm vào thị trường chứng khoán cũng chỉ dưới con số 5.000 tỷ đồng này mà thôi.

Thứ ba, không phải ngân hàng thương mại nào cũng có khẩu vị mạnh trong việc cấp tín dụng cho khách hàng mua, đầu tư cổ phiếu, nên giới hạn 5% trên của NHNN sẽ làm hạn chế hơn nữa nguồn vốn đổ vào cổ phiếu nói chung và cổ phiếu mới từ thoái vốn/ cổ phần hóa DNNN nói riêng. Những ngân hàng nào có thể và muốn mở rộng tín dụng trong lĩnh vực này thì đã mở rộng hết mức được phép (5% tổng vốn điều lệ/vốn tự có của nó). Còn những ngân hàng khác chưa dùng hêt shanj mức hoặc không quan tâm lắm đến thị trường cho vay cổ phiếu này thì trong hoàn cảnh bình thường Thông tư 36 này không có liên quan gì đến chúng cả.

Nhưng nếu xét trong trạng thái động thì khi nhu cầu tín dụng cho cổ phiếu không được thỏa mãn đầy đủ, nó sẽ góp phần đẩy lãi suất cho vay đầu tư cổ phiếu để hấp dẫn những ngân hàng nào vẫn còn room cho vay nhưng lại không mặn mà lắm đến lĩnh vực này tăng cường cho vay lĩnh vực này hơn. Kết cục là với chi phí tín dụng tăng làm giảm lợi nhuận đầu tư và kinh doanh cổ phiếu nói chung và cổ phiếu từ cổ phần hóa nói riêng, sự hấp dẫn của cổ phần hóa với nhà đầu tư cũng bị mai một (vẫn với giả định các điều kiện khác không thay đổi).

Nói cách khác, xét trên khía cạnh toàn bộ hệ thống cũng như từ ngân hàng thương mại thì Thông tư 36 rõ ràng sẽ làm hạn chế luồng vốn đổ vào thị trường cổ phiếu và/hoặc lãi suất của luồng vốn này cũng như giá của cổ phiếu. Do đó trên ý nghĩa này cũng có thể nói rằng Thông tư 36 sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cổ phần hóa.

Phan Minh Ngọc

Theo Trí Thức Trẻ

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015