Việc các CTCK tăng cường bơm margin trong khi TTCK diễn biến không mấy thuận lợi trong ngắn hạn gợi lên suy nghĩ cung (margin) đang vượt quá cầu (NĐT). Từ đây tạo nên áp lực trong việc tiêu thụ sản phẩm (margin) dành cho bên bán (CTCK) là rất rõ ràng. Nói rõ hơn là nguồn vốn đang rất dư thừa từ ngân hàng thông qua CTCK sẵn sàng bơm cho NĐT.
Hàng ngàn tỷ đồng sẵn sàng
Cách đây ít ngày, CTCK TPHCM (HSC), một trong những CTCK có thị phần lớn nhất thị trường, công bố vay 4 ngân hàng 1.400 tỷ đồng để dự phòng khi cần bổ sung nguồn vốn lưu động. Theo cách hiểu của nhiều người, đây là động thái vay vốn của HSC nhằm phục vụ hoạt động cấp margin. Một CTCK có thị phần lớn khác cũng quyết định tăng cường margin cho một số mã chứng khoán trong tuần vừa rồi.
Vậy “hàng hóa” dồi dào, các CTCK lớn sẽ “bán” như thế nào? Chưa bàn về khả năng của những CTCK tốp đầu vốn có lợi thế về tên tuổi, thương hiệu, khách hàng, công nghệ… Nhưng với những CTCK tầm trung nếu biết khả năng “đẩy” margin, nhiều NĐT sẽ không khỏi choáng váng.
Được biết một CTCK chỉ mấp mé ở top 10, ngay trong những lúc cao điểm lượng margin được nhiều NĐT loan tin có thể tăng đến 2.400 tỷ đồng. Trong khi đó, lượng tiền margin ở vào những thời điểm thuận lợi nhất của một CTCK thuộc tốp đầu theo ước chừng của nhân viên môi giới kỳ cựu cũng chỉ vào khoảng 1.800 tỷ đồng. Phải chăng có những CTCK tầm trung có “chiêu” bán margin?
Một NĐT kỳ cựu cho biết vấn đề không phải là chiêu ai cao hơn ai mà nằm ở sự “chịu chơi” và khai thác tối đa lợi thế mình có. Một sản phẩm muốn đến được tay người tiêu dùng điều cốt lõi phải đem lại lợi ích, dù thiết thực hay phù phiếm. Lợi ích margin đem lại cho NĐT chính là gia tăng khả năng sinh lời, nếu lợi ích này ảnh hưởng bởi TTCK các CTCK phải tìm cách bù đắp cho các NĐT, chí ít là “vẽ” ra lợi ích đó.
Margin là đầu ra, tạo nên nguồn thu chủ đạo cho nhiều CTCK, nhưng lại là đầu vào của các NĐT. CTCK muốn đảm bảo đầu ra cho mình cũng phải đảm bảo đầu ra cho NĐT, cụ thể ở đây là phải có hàng cho NĐT mua.
Phải có tuyệt chiêu
Thí dụ: CTCK A, có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp (DN) A1, từ đó thông tin rõ ràng sẽ nhiều hơn, thậm chí tháng này A1 lãi bao nhiêu thị trường chưa biết nhưng A biết rồi. Do vậy khi CTCK B cho margin A1 với tỷ lệ 20%, A phải lên đến 50%.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi mối quan hệ của A và A1 có rất nhiều, như các bên có cổ phần, cổ đông của nhau, hay thậm chí là mẹ-con… Cũng phải nói thêm trong mối quan hệ giữa A và A1, đâu chỉ mình A hay khách hàng của A có lợi mà chính A1 cũng có lợi khi CP được nhiều NĐT chú ý, nếu tăng giá giá trị tài sản của các sếp cũng tăng theo.
Trường hợp nếu A và A1 có nắm giữ CP của nhau, bên này có lãi bên kia cũng hưởng lợi. Đó cũng là lý do vì sao một số CP được xếp vào loại “ho lao” nhưng khi tăng lại “bốc đầu” và có dấu hiệu cho thấy vốn margin đổ vào. Như vậy với cách làm chuyên biệt hóa, CTCK nhỏ còn có lợi hơn cả CTCK lớn, vì chỉ cần tập trung nguồn lực vào một số điểm nóng nhất định, mà hiệu ứng sinh ra rất lớn.
Thực ra tỷ lệ margin đem đến hệ quả không chỉ đo bằng con số % hay lợi ích chỉ dừng lại ở CTCK và NĐT, mà là một chuỗi hiệu ứng mang tính thị trường. Chẳng hạn một CP trong những giai đoạn chớm tăng giá mạnh, sau đó là một chuỗi ngày tăng giá và trở thành CP nóng, tương ứng tỷ lệ margin được cơi nới dần lên theo độ “hot” của CP đó. Có những CP trước đây CTCK hạn chế hoặc không cho margin vì nhiều lý do khác nhau, nhưng đến khi cơi nới cũng là lúc giá CP tăng vùn vụt.
Rất khó để chỉ ra rằng nhờ margin CP tăng, hay CP tăng rồi, thanh khoản tăng theo nên mới được margin. Nhưng ở đây cho thấy một động thái mang tính kích thích từ phía CTCK. Chẳng hạn, nắm được thông tin DN nào đó qua được giai đoạn khó khăn, làm ăn thuận lợi, mà CP chưa được margin nhiều, một CTCK có thể tiên phong đứng ra cho margin.
CTCK này kéo được một nhóm NĐT VIP đầu tiên cho mình, rồi chính CTCK cũng có thêm nguồn hàng bởi VIP đã mua, kèm thêm sử dụng margin CP dễ tạo sóng, rồi lại có thêm khách hàng khác. Đến lúc này, các CTCK khác thấy đối thủ hành động cũng không chịu ngồi yên, cũng cho margin để không bị mất khách. Kết quả là CP lên hương, CTCK có nguồn thu, NĐT có thêm hàng để đánh và tất nhiên là thị trường gia tăng thêm thanh khoản.
Nói tóm lại, muốn đẩy margin các CTCK phải có hàng cho các NĐT, mà để có được lợi thế về hàng hóa cần phát huy những lợi thế, thậm chí là sự sáng tạo, tiên phong. Nhưng vấn đề lại nằm ở việc phát huy những lợi thế này đến mức nào để hài hòa lợi ích cho thị trường.
Cho đến thời điểm này, khả năng những trường hợp mất thanh khoản như SME trước đây có thể khó xảy ra hơn, CTCK đã có hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc gia tăng margin nếu quá đà cũng có nghĩa là gia tăng rủi ro cho CP và đẩy rủi ro đó cho NĐT. Có thể có những CP nhờ margin mà tăng mạnh, đem lại nguồn thu cho CTCK, lợi nhuận cho NĐT, nhưng đến khi bị siết margin lại cắm đầu và khiến không ít người thua lỗ.
Minh Khanh
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.