CP gạch men thức tỉnh

StockBiz- 07/04/2016

Ngành gạch men từ lâu đã không nhận được sự quan tâm của NĐT do những khó khăn về tiêu thụ trong suốt thời kỳ bất động sản đóng băng 2011-2013. Song với kết quả kinh doanh đặc biệt khởi sắc trong năm 2015, nhóm gạch men trở thành tâm điểm của giới đầu tư sau thời gian dài bị thất sủng.

Giành lại thị phần

Đa số doanh nghiệp vật liệu xây dựng, trong đó có các doanh nghiệp gạch men đã trải qua giai đoạn tiêu thụ khó khăn, nhu cầu nội địa giảm sút, thêm vào đó là bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi gạch nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc là nước sản xuất gạch men lớn nhất thế giới với sản lượng 6 tỷ m2 (chiếm 48,35% tổng sản lượng toàn cầu), lại có vị trí địa lý giáp ranh Việt Nam, cùng với giá rẻ đã tạo lợi thế vững chắc cho hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường. Thậm chí, với riêng dòng gạch Granite, sản phẩm Trung Quốc đang chiếm 40-45% thị phần (hàng lậu loại 1 rẻ hơn gạch trong nước khoảng 15%). Nhiều doanh nghiệp ngành này thiệt hại nặng và thua lỗ đến âm vốn chủ sở hữu trong giai đoạn từ 2011-2013.

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Theo CTCK BIDV (BSC), từ năm 2015 trở lại đây, khi xây dựng dân dụng phục hồi, cộng với các dự án xây dựng công trình bắt đầu bước vào giai đoạn hoàn thiện, nhu cầu về gạch men bắt đầu tăng trở lại. Đặc biệt, trong những năm khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên phương án tái cơ cấu thành công, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, cải tiến công nghệ và khả năng phân phối, dần cạnh tranh tốt với gạch nhập khẩu và lấy lại thị trường trong nước và xuất khẩu. Kết quả là hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhiều doanh nghiệp đã có sự cải thiện vượt bậc. Hiện tại với năng lực sản xuất khoảng 447 triệu m2/năm và công suất vận hành trung bình đạt trên 80% công suất thiết kế, Việt Nam đứng thứ 8 trong nhóm 10 nước sản xuất gạch men nhiều nhất thế giới. Các doanh nghiệp sản xuất gạch Việt Nam đa phần có công suất dưới 10 triệu m2/năm, trong đó Prime Group là doanh nghiệp lớn nhất với công suất 75 triệu m2/năm (trong đó 85% cổ phần thuộc SCG Thái Lan).

Ấn tượng EPS

Theo thống kê, hiện có 7 doanh nghiệp gạch men đang niêm yết trên 3 sàn CK là HOSE, HNX và UPCoM. Theo BCTC năm 2015 được các doanh nghiệp này công bố, chỉ còn duy nhất 1 doanh nghiệp thua lỗ là CTCP Gạch men Chang Yih ( CYC ). Các doanh nghiệp còn lại đều ghi nhận được kết quả hết sức khả quan gồm: CTCP CMC ( CVT ), CTCP Viglacera Tiên Sơn ( VIT ), CTCP Gạch men Thanh Thanh ( TTC ), CTCP Viglacera Thăng Long ( TLT ), CTCP Công nghiệp gốm sứ Taicera ( TCR ) và Tổng CTCP Viglacera ( VGC ). Nổi bật nhất trong số 6 doanh nghiệp trên là TLT . Đây là trường hợp khá hy hữu trong lịch sử TTCK niêm yết khi âm hết vốn chủ, hiện nay không chỉ có lãi trở lại mà còn đạt mức EPS cao. Đây là doanh nghiệp cải thiện nhiều nhất với doanh thu thuần năm 2015 đạt 442,6 tỷ đồng (tăng 14,3%) và lợi nhuận sau thuế đạt 34,78 tỷ đồng (gấp gần 6 lần so với năm 2014), EPS năm 2015 đạt 4.980 đồng/CP, P/E là 3,3x. Tại ĐHCĐ năm 2016 vừa được tổ chức trong tháng 3, cổ đông của TLT đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 với doanh thu đạt 475,3 tỷ đồng (tăng 3,8%), lợi nhuận trước thuế đạt 43 tỷ đồng (tăng 23,6%), EPS đạt 5.179 đồng/CP.

Tương tự, kết quả kinh doanh năm 2015 của VIT cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, sản lượng tiêu thụ đạt 4,77 triệu m2 (tăng 3%), doanh thu cũng vượt kế hoạch đề ra (đạt 682 tỷ đồng). Theo VIT , việc giá nhiên liệu và một số nguyên vật liệu giảm giúp lợi nhuận của VIT tăng trưởng mạnh mẽ với lợi nhuận sau thuế đạt 37,3 tỷ đồng (tăng 35%), EPS đạt 2.690 đồng/CP. Mức cổ tức cho năm 2015 đạt 15% bằng tiền mặt, sẽ được chi trả trong quý II-2016 (tương đương tỷ suất cổ tức trên giá đạt 6,6%). Doanh nghiệp gạch men lớn nhất đang niêm yết hiện nay là VGC cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khá tốt so với năm 2014. VGC cũng là công ty mẹ của nhiều doanh nghiệp gạch men, trong đó có TLT VIT với công suất thiết kế 20 triệu m2. Theo BCTC năm 2015, doanh thu thuần của VGC đạt 7.800 tỷ đồng (tăng 75%), lợi nhuận sau thuế đạt 337 tỷ đồng (tăng 60%), EPS khoảng 1.270 đồng/CP.

Kết quả kinh doanh khả quan cũng là yếu tố tạo nên sự lột xác cho nhóm CP gạch men, đơn cử mã VGC . Thời điểm đầu năm 2016, VGC còn “ngụp lặn” quanh mốc 0.7, đến cuối tháng 3 đã tăng qua mốc 1.8. Nếu 1 năm trước, mã TLT chỉ được giao dịch quanh mức 5.000 đồng/CP thì đến thời điểm hiện tại là hơn 15.000 đồng/CP. Tương tự, TCR thời điểm này năm ngoái chỉ vào khoảng 4.000 đồng/CP nhưng nay đã vượt mốc 10.000 đồng/CP. Trái ngược với những doanh nghiệp này, CYC tiếp tục bị NĐT ruồng bỏ và hiện đang giao dịch ở mức giá hơn ly trà đá (3.200 đồng/CP).

 

Kim Giang

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015