[Góc nhìn môi giới] 5 cổ phiếu nên tích lũy trong tháng 10

StockBiz- 07/10/2015

Khác với cách tiếp cận lựa chọn CP theo chiến lược đầu tư trong tháng 9, CP được chọn trong tháng 10 nghiêng về câu chuyện riêng của từng CP (Stock picking) hơn là phương pháp tiếp cận phân tích từ trên xuống (Top-down) hay theo chủ đề dòng tiền đang tìm kiếm.

 Tháng 10 bắt đầu với sự khởi động chậm chạp, thanh khoản thấp của thị trường cổ phiếu cùng với sự rút vốn mạnh nhất trong tháng 9 của nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này không chỉ riêng tại Việt Nam mà là thực tế đang xảy ra tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines. Chỉ số đại diện cho khu vực Đông Nam Á là MSCI Southeast Asia Index đã giảm -20% trong quý 3 do nhà đầu tư nước ngoài rút hơn 5,1 tỷ USD thông qua các quỹ ETFs, đây cũng là đợt bán tháo mạnh nhất kể từ khi Bloomberg xây dựng chỉ số này từ năm 1999.

Nguyên nhân chính đến từ các nền kinh tế tại khu vực này (bao gồm Việt Nam) đang chịu tác động xấu bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu, giá hàng hóa sụt giảm và đồng tiền yếu dần. Chỉ số PMI tháng 9 của Singapore, quốc gia đứng đầu tăng trưởng trong khu vực châu Á, đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua do giảm sút đơn hàng mới, hợp đồng xuất khẩu, hàng tồn kho tăng và chưa có dấu hiệu cải thiện. Chỉ số PMI của Việt Nam diễn biến tương tự trong tháng 9 khi lần đầu giảm xuống dưới 50 điểm trong 2 năm qua cho thấy tác động lớn của suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến môi trường hoạt động của doanh nghiệp.

Dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài luôn là nhân tố tác động lớn nhất đến thị trường chứng khoán Việt Nam, hành xử của nhà đầu tư trong nước, bao gồm nhà đâu tư tổ chức và cá nhân thường xuyên bị tác động bởi các giao dịch của khối ngoại do vậy với đà bán ròng mạnh vào tháng cuối của quý 3, dòng tiền vào thị trường cổ phiếu trong tháng 10 phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của thị trường thế giới dù quý 4 thường là quý thuận lợi nhất trong năm cho thị trường cổ phiếu.

Với suy nghĩ này, khác với cách tiếp cận lựa chọn cố phiếu theo chiến lược đầu tư trong tháng 9, cổ phiếu được chọn trong tháng 10 nghiêng về câu chuyện riêng của từng cổ phiếu (Stock picking) hơn là phương pháp tiếp cận phân tích từ trên xuống (Top-down) hay theo chủ đề dòng tiền đang tìm kiếm. Những cổ phiếu sẽ được chọn trong tháng này tập trung vào: (i) chiến lược của doanh nghiệp nhằm tạo ra giá trị tương lai theo chỉ số IP, (ii) thị trường đang định giá sai tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp, (iii) khả năng vượt mục tiêu lợi nhuận của công ty trong quý cuối cùng của năm 2015 và cuối cùng cũng cần lưu ý đến khả năng thành công cao của tiến trình đàm phán hiệp định thương mại TPP sẽ tác động đến tâm lý đầu tư vào nhóm cổ phiếu dệt may, thủy sản, cảng biển.

Dược Hậu Giang ( DHG ) – Giá mục tiêu 83.000 ( P/E 12)

Thị trường đang định giá sai đối với cổ phiếu dẫn đầu ngành dược dựa trên đánh giá kết quả kinh doanh nửa đầu năm doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt -13,9% và -6,8% so với cùng kỳ nguyên nhân chính đến từ doanh số thuốc tự sản xuất chiếm 79% doanh thu giảm 25% do cạnh tranh trên thị trường phân phối thuốc OTC trong khi kênh phân phối qua bệnh viện giảm 11% vì giá bán giảm để duy trì thị phần. Giá cổ phiếu suy yếu trong thời gian qua đã phản ánh kết quả này.

Trao đổi với Ban lãnh đạo DHG , họ cho biết kể từ quý 2 số lượng khách hàng thường xuyên đã tăng lên 5,6% tương đương 1.000 khách hàng và tăng trưởng 56% nếu so với quý 1.2015 do công ty thực hiện lại chiến lược marketing.

Chuyên viên phân tích ngành dược tại SSI dự báo DHG vẫn sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trong cả hai năm liên tiếp 2015 và 2016 lần lượt là +5,8% và +5,6%. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu 2015 dự báo đạt 6.563đ/cp và 2016 là 7.100đ/cp.

Trong quá khứ, DHG thường xuyên giao dịch tại P/E 12 lần, tương đương giá mục tiêu 83.000đ/cp trong khi tại mức giá hiện tại, DHG đang giao dịch tại P/E2015 10,1 lần và P/E2016 9,3 lần. Thực sự rẻ đối với 1 công ty dược dẫn đầu.

 


 

 Hóa chất Lâm Thao ( LAS ) – Giá mục tiêu 39.300 (P/E 7 lần)

LAS là công ty nằm trong danh sách tìm kiếm cổ phiếu dẫn đầu ngành, sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu, tăng trưởng doanh số, lợi nhuận và mức chi trả cổ tức bằng tiền cao đều đặc mỗi năm 30%-40%. Những công ty như LAS thường bị thị trường lãng quên do dòng tiền luôn tìm kiếm những điều mới mẻ hay các chủ đề nóng được khai thác trên các phương tiện truyền thông, nhưng thực tế trong lúc thị trường biến động, các cổ phiếu này luôn có sự tăng trưởng vượt trội.

LAS là công ty sản xuất phân bón NPK và super phosphate dẫn đầu phía Bắc, với vị thế này LAS có thể chủ động về giá bán do thương hiệu, thói quen tiêu dùng và chất lượng các sản phẩm thay thế không đạt tiêu chuẩn tương tự. Các nhà máy của LAS đã khấu hao lớn gần 85%, không có nợ dài hạn.

Dòng tiền ổn định giúp hai năm liên tiếp 2013 và 2014 LAS chi trả 4.000đ/cp. Trao đổi với ban lãnh đạo LAS , do nhu cầu sử dụng vốn tái đầu tư thấp, khả năng LAS tiếp tục chi trả 3.000đ/cp tương đương với mức cổ tức bằng tiền lên đến 9,4% trong hai năm kế tiếp ( LAS đã chi trả 4.000đ/cp vào tháng 5.2015)

Các nhà phân tích tại SSI dự báo, LAS sẽ duy trì thu nhập trên mỗi cổ phiếu tương đương năm trước là 5.665đ ( nếu trừ trích quỹ phúc lợi và khen thưởng 10% theo thông tư 200, EPS là 5.099đ/cp) dù thông tư 17709/BTC-TCT quy định các sản phẩm phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng đã làm các nhà sản xuất phân bón tăng chi phí đầu vào do không thể khấu trừ thuế VAT, họ đã chuyển điều này sang người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán thêm trung bình 4,3%.

LAS đang giao dịch tại P/E 2015 ước tính 6,2 lần và P/E 2016 dự báo 5,7 lần, thấp hơn P/E thị trường HNX 9,1 lần và tương đương với trung bình ngành phân bón đang niêm yết tại HSX.

Theo phân tích đồ thị, cổ phiếu LAS đang giao dịch trên các đường trung bình MA 20, 50, 100 và có xu hướng tăng lên vùng cao nhất 5 năm là 39.3.

 


 

Nhựa Thiếu niên Tiền Phong ( NTP ) – Giá mục tiêu 57.000

Chính phủ tăng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng đồng thời thị trường bất động sản đã phục hồi mạnh từ nữa cuối năm 2014 đến nay và các đặc khu kinh tế, công nghiệp phát triển đã giúp cho những công ty ngành sản xuất nhựa tiêu dùng như BMP và NTP tăng trưởng mạnh.

Công ty này có đặc điểm thú vị vào thời điểm cuối quý 2, số dư tiền tại quỹ đầu tư phát triển đạt 664 tỷ, lớn hơn cả vốn điều lệ của công ty là 620 tỷ. Điều này cho thấy, lượng tiền mặt dành cho các hoạt động phát triển của NTP là rất lớn.

Doanh số (1.399 tỷ) và lợi nhuận (151,6 tỷ) trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng lần lượt 7,2% và 13,2% so với cùng kỳ và khả năng đánh bại dự báo cả năm của nhà phân tích theo dõi ngành nhựa trong báo cáo gần nhất về lợi nhuận của NTP chị đạt 324,8 tỷ ( tăng 6,3%) so với năm 2014.

Dựa trên ước tính thận trong của nhà phân tích này này, NTP đang đang dịch tại P/E 2015 8,3 lần tương đương thu nhập mổi cổ phiếu (EPS) đạt 5.764đ. Với mức định giá này, NTP đang giao dịch thấp hơn đối thủ cùng ngành khu vực phía Nam là BMP, đang giao dịch tại P/E 2015 9,4 lần.


 

 


The Pan Group ( PAN ) – Đầu tư vào giá trị tương lai

Chỉ số IP ( Innovation Premium – Điểm cách tân) là công cụ do lường mức độ giới đầu tư trả cho giá cổ phiếu của một công ty vượt trên mức giá trị của nó dựa trên mức giá trị hiện tại của nó do kỳ vọng về những kết quả cách tân trong tương lai của chính doanh nghiệp này như sản phẩm, dịch vụ và thị trường mới. Chỉ số này do Forbes xây dựng và công bố hằng năm để giúp nhà đầu tư tìm kiếm những công ty có khả năng thay đổi thị trường bằng những sản phẩm, chiến lược vượt trội.

IP chưa áp dụng tại thị trường Việt Nam, nhưng chiến lược The Pan Group đang theo đuổi “ Born to feed the world” được cụ thể hóa bằng các dự án nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín trong lĩnh vực Nông nghiệp, thực phẩm theo định hướng “ Farm – Food – Family” xứng đáng được các nhà đầu tư theo chỉ số IP trả mức giá cao hơn thị giá hiện tại.

Tốc độ tăng trưởng hằng năm (CARG) doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PAN từ 2010 đến nay lần lượt 52% và 54,8% nhờ theo đuổi chiến lược đầu tư vào ngành tăng trưởng bằng cách mua sở hữu những công ty này, đầu tư chất xám, nguồn vốn, quản trị, định vị thương hiệu để giúp gia tăng doanh số. Những công ty mà PAN đã đầu tư là NSC 62,86%, SSC 61,4%, ABT 63,3%, BBC 42,3%, LAF 60,99%, Pan Services 100%.

 


 Những công ty cùng ngành trong khu vực là CP Foods và Indofood đang giao dịch tại P/E 23,2 lần và 20,3 lần đều cao hơn mức mục tiêu đến 2020 của PAN có hệ số P/E dưới 20 và doanh số trên 15.000 ngàn tỷ mỗi năm. Đầu tư vào PAN tương tư như tìm kiếm những sự thay đổi chiến lược rõ ràng của một công ty trong lĩnh vực chiếm chi tiêu tiêu dùng hơn 70% GDP trong đó: tiêu dùng thực phẩm tăng trưởng tốc độ trung bình hằng năm 15,5% và tận dụng sự trả giá cao hơn của các nhà đầu tư tổ chức để thu lợi nhuận. Không có giá mục tiêu cụ thể cho PAN cho đầu tư ngắn hạn, nhưng hãy nghĩ đến việc phân bổ vốn đầu tư vào công ty xứng đáng có chỉ số IP cao tại Việt Nam.

Bọc ống dầu khí ( PVB ) – Giá mục tiêu 35.000 (P/E 7 lần)

Cách đây 2 tháng, tỷ phú Warren Buffett đã chi 37,2 tỷ USD để mua hãng Precision Castparts chuyên sản xuất phụ kiện cho ngành máy bay. Precision Castparts không cung cấp trực tiếp cho các hãng sản xuất máy bay như Boeing và Airbus mà chuyên về thành phần đúc và rèn của các hãng sản xuất phụ kiện của ngành máy bay và hãng này là đặc trưng cho đa số xí nghiệp công nghiệp thế giới.

Câu chuyên này cho thấy dù những yếu tố giá dầu có thể ảnh hướng đến cổ phiếu ngành vận chuyển hàng không nhưng những công ty cung cấp thiết bị cho các hãng máy bay này vẫn đạt mức tăng trưởng cao do sản lượng máy bay của các hãng sản xuất máy bay.

Giá dầu suy yếu khiến nhà đầu tư không bỏ tiền vào cổ phiếu ngành dầu khí sẽ phải hổi tiếc khi cổ phiếu PGD đã tăng trưởng 24,6% kể từ ngày 24/7 đến nay bất chấp sự biến động của giá dầu và thị trường.

Xem xét lại các công ty trong ngành dầu khí, PVB là công ty đang duy trì được tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trong năm 2015 đến 2017 nhờ đóng góp từ các hợp đồng từ dự án Ô Môn và Nam Côn Sơn giai đoạn 2. Ngay trong 6 tháng đầu năm, PVB đã hoàn thành 86,5% kế hoạch năm. Dựa trên dự báo thận trọng, PVB có thể tạo nên thu nhập trên mỗi cổ phiếu 5.024đ/cp tương đương P/E 5,9 lần, thấp so với một công ty dành được các hợp đồng bọc ống ở giai đoạn khai thác dầu khí.

 

 

Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 CTCP CK Sài Gòn SSI

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015