“Nền nã” cổ phiếu điện

StockBiz- 17/10/2014

Không “sóng sánh” như cổ phiếu dầu khí, bất động sản hay chứng khoán, cổ phiếu của các công ty thủy điện và nhiệt điện trên cả ba sàn đều tăng trưởng vững chắc theo cách riêng: lầm lũi đi lên!

Cổ tức cao

Một quỹ của VinaCapital bỏ vốn vào Công ty Thủy điện Cần Đơn ( SJD -Hose) từ ngày chứng khoán còn tràn đầy khí thế năm 2007. Sau bao biến động, đến nay quỹ vẫn kiên trì duy trì SJD như một trong 10 khoản đầu tư nổi nhất của danh mục.

Thủy điện Cần Đơn là một trong những công ty con của Tổng công ty Sông Đà. Do nằm trên địa bàn vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Phước, ngay từ đầu Cần Đơn đã được hưởng ưu đãi về giá bán điện cho tập đoàn Điện lực. Giá bán của Cần Đơn được tính bằng ngoại tệ, nhờ vậy công ty không bị ảnh hưởng bởi sự lên xuống của tỷ giá.

Trong đợt tái cơ cấu năm ngoái của Tổng công ty Sông Đà, Cần Đơn đã nhận hợp nhất với Thủy điện Ry Ninh và sắp tới là Thủy điện Nà Lơi. Cả Nà Lơi và Ry Ninh đều kinh doanh khá hiệu quả và có thể giúp tăng doanh thu cũng như lợi nhuận của Cần Đơn.

SJD hiện là cổ phiếu có thị giá cao nhất của ngành điện trên sàn, cao hơn hẳn của Nhiệt điện Phả Lại ( PPC -Hose); Thủy điện Thác Bà ( TBC -Hose); Thủy điện Thác Mơ ( TMP -Hose). PPC là công ty có quy mô lớn nhất, nhưng lợi nhuận hàng năm của Phả Lại phụ thuộc nhiều vào khoản vay nợ bằng đồng yen. Có những năm PPC lỗ ròng hoặc lãi ròng hàng ngàn tỉ đồng chỉ vì đồng yen lên xuống thất thường. Thác Mơ và Thác Bà lại khác, lợi nhuận khá ổn định và chia cổ tức tiền mặt tầm 20%/năm. Có điều thanh khoản của cả hai đều kém do được các tổ chức sở hữu nhiều. Có ngày TBC TMP chỉ giao dịch vài ngàn, thậm chí vài trăm đơn vị. Các năm trước SJD luôn chia cổ tức 15%, nhưng năm ngoái cũng nâng lên 20%.
 

Tính bình quân, chỉ số P/E của cổ phiếu điện ước khoảng 10-15 lần tùy cổ phiếu, ngang bằng với những ngành “nóng” như dầu khí hay chứng khoán.

Ở tầng thấp hơn khi chọn tiêu chí hiệu quả kinh doanh để đánh giá, chúng ta có Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh ( VSH -Hose); Nhiệt điện Bà Rịa - Vũng Tàu ( BTP -Hose) Thủy điện Sông Ba ( SBA -Hose); Thủy điện miền Nam ( SHP -Hose); Thủy điện Nậm Mu ( HJS -Hnx).

 

 Các cổ phiếu này có thị giá từ 10.000-15.000 đồng, cổ tức bằng một nửa các công ty nhóm trên hoặc thấp hơn. Gần đây, nhà đầu tư chú ý đến Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 ( NT2 -UpCom). Nhơn Trạch 2 có quy mô vốn điều lệ tới 2.560 tỉ đồng và hoạt động chỉ khởi sắc từ đầu năm 2014. Những năm trước lợi nhuận sau thuế của công ty nhì nhằng 10-30 tỉ đồng vì mới đi vào hoạt động, khấu hao lớn, chi phí lãi vay khủng.

“Núp” trên UpCom, lại được sở hữu chủ yếu bởi các “đại gia” như Tổng công ty Điện lực dầu khí của PVN, Tổng công ty Điện lực của tập đoàn Than - Khoáng sản, tập đoàn Bưu chính Viễn thông, đối tác Nhật Bản J-Power và BIDV... NT2 thanh khoản yếu ớt, một thời gian dài bị “chìm vào quên lãng”, thị giá có 3.000 đồng. Sáu tháng đầu năm nay NT2 bất ngờ báo lãi 100 tỉ đồng sau thuế và giá cổ phiếu lên như diều gặp gió trong tháng 9-2014 khi đồng euro mất giá từng ngày so với đô la Mỹ. Nhơn Trạch 2 có khoản vay ngoại tệ 144 triệu euro và khả năng hoàn nhập dự phòng rủi ro tỷ giá là hiện thực. Tính từ giữa tháng 5-2014 đến ngày 10-10-2014 thị giá NT2 đã “nhảy thần kỳ” 450%!

Quyền ấn định giá mua điện của EVN        

Tập đoàn Điện lực cho biết tính đến hết quí 3 năm nay sản lượng điện tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Mặc dù báo cáo tài chính quí 3 chưa được công bố, nhưng các công ty chứng khoán đều dự báo sản lượng điện sản xuất của các công ty điện niêm yết cao hơn cùng kỳ.

Vấn đề quan ngại của các doanh nghiệp điện là giá bán điện hàng năm được điều chỉnh và ký kết với EVN. Cho đến nay, giá này vẫn thuộc sự định đoạt của tập đoàn Điện lực và cơ chế xác định giá bán, theo phản ánh của doanh nghiệp, rất ít minh bạch, công bằng giữa các công ty. Điển hình như Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, có khi hết năm vẫn chưa đàm phán xong giá bán điện năm cũ, còn giá bán năm mới thì treo. Cho nên trong các báo cáo tài chính định kỳ của VSH , cổ đông luôn phải săm soi xem giá mua - bán điện diễn biến thế nào. Chỉ cần giá bán tăng/giảm 10-15 đồng là lợi nhuận của công ty có thể thêm/bớt hàng chục tỉ đồng.

Một điểm khác là các khoản vay mượn giữa EVN và các công ty điện như ma trận. Hiện EVN nắm quyền chi phối của cổ đông lớn ở hầu hết các doanh nghiệp điện, họ có quyền ấn định không chỉ giá mua điện, mà cả kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất hay triển khai dự án mới. Một số công ty được EVN bảo lãnh, có thể vay vốn ngân hàng dễ dàng, số khác thì không. Tương tự là các dự án sử dụng vốn ODA trong ngành điện.

Hiện tại cổ phiếu điện không còn rẻ so với mặt bằng giá của chính nó cách đây 12 tháng và so với thị trường. Tính bình quân, chỉ số P/E của cổ phiếu điện ước khoảng 10-15 lần tùy cổ phiếu, ngang bằng với những ngành “nóng” như dầu khí hay chứng khoán. Trừ khi thị trường chung có biến động mạnh, còn lại giá cổ phiếu điện được dự báo ổn định, phù hợp với nhà đầu tư trung, dài hạn.

 

Thành Nam

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015