Thời chưa thuận cho CP ngân hàng

StockBiz- 22/08/2014

Thông tin phương án tái cơ cấu Southern Bank (PNB) và Sacombank ( STB ) chưa được phê duyệt dẫn đến chưa thể sáp nhập và diễn biến của cổ phiếu (CP) BIDV ( BID ) trên sàn đã phản ánh tương đối rõ nét hiện thực của CP NH.

Trên sàn lặng sóng

Phiên 20-8, VN Index tăng 2,06 điểm đạt 606,7 điểm, thanh khoản tại HOSE đạt gần 1.900 tỷ đồng, nhìn chung thị trường đã có một phiên giao dịch sôi động. Nhưng giao dịch tại BID , một trong những CP trụ cột của thị trường lại không được đẹp, đóng cửa phiên giao dịch với giá 14.000 đồng/CP và khối lượng giao dịch (KLGD) đạt hơn 370.000 CP, riêng khối ngoại mua vào gần 127.000 CP. Hồi đầu tháng 8, BID cũng có một số phiên giao dịch sôi động trước khi tiến hành trả cổ tức 850 đồng/CP bằng tiền mặt, nhưng sau ngày chốt quyền (8-8) mọi việc lại đâu vào đấy, BID vẫn là CP có tính ổn định cao nhất trong nhóm trụ cột.

Giai đoạn đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 6, VCB (Vietcombank) cũng đã có những đợt sóng khá mạnh với mức tăng gần 30%, nhưng kể từ đó đến nay CP này hầu như đi ngang ở ngưỡng 26.000 đồng/CP. Đến 20-8, VCB có một phiên tăng khá tốt khi từ 25.800 đồng/CP lên 26.500 đồng/CP.

Đối với một số nhà đầu tư (NĐT) VCB mặc nhiên được xem là CP không chỉ tốt nhất trong ngành NH mà cả thị trường. Điều này phần nào được thể hiện qua việc NĐT nước ngoài luôn giao dịch VCB rất ổn định và xu hướng chủ đạo thường là mua vào. MBB (NH Quân đội) cũng là một trong những CP NH được đánh giá cao về nền tảng cơ bản, cũng dao động quanh vùng giá 13.000-14.000 đồng/CP trong vài tháng qua.

Không cần quá am hiểu về ngành NH cũng có thể kể ra các vấn đề của ngành này trong giai đoạn hiện nay: nợ xấu, tăng trưởng tín dụng thấp, thị trường khó khăn, áp lực cạnh tranh gay gắt… Trong đầu tư chứng khoán, nguyên tắc rõ ràng là chọn CP phải bắt nguồn từ một ngành tương đối tốt, tiềm năng, trong khi thực trạng của ngành NH là vậy tất yếu CP dù có tốt cũng trở nên bị thua thiệt.

Lấy thí dụ trường hợp của BID , có thể nói CP này có đầy đủ các yếu tố để trở nên “hot” trên thị trường, bao gồm vốn hóa lớn, xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, cũng là một mặt hàng mới trên thị trường (niêm yết hồi đầu năm), có những thông tin tích cực (như việc trả cổ tức mới đây). Thực tế cho thấy, có những CP ở ngành khác, chẳng hạn như bất động sản hay sản xuất, chỉ cần 1 trong các tiêu chí trên của BID đã có thể “nhảy múa” trên TTCK rất mạnh. Và nói như một số NĐT dày dạn kinh nghiệm, thời của BID , VCB , MBB … rồi cũng sẽ tới nhưng không phải lúc này.

Dưới sàn lặng thinh

 

Rất khó để nói giá CP NH hiện nay rẻ hay đắt, kể cả ngắn lẫn dài hạn, bởi mỗi NH hiện nay đều có vấn đề riêng của mình cần phải giải quyết. Mức định giá của CP NH sẽ phụ thuộc vào khả năng xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hoạt động và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Về giao dịch của CP NH, NĐT nước ngoài có thể có nhiều lợi thế do họ có vốn lớn và mục tiêu dài hạn, nhưng đừng nghĩ đến chuyện họ mua để đẩy giá lên cao, thậm chí họ có thể làm ngược, nghĩa là khi nào NĐT khác bán ra thì họ mua vào và ngược lại.

TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính-NH, Trường ĐH Mở TPHCM

Tham khảo thông tin từ một số nhân viên môi giới, hiện nay giao dịch CP NH trên OTC ở vào trạng thái buồn nhiều hơn vui. Buồn là bởi vì đa phần CP OTC hiện nay có giá khá thấp, phần nhiều ở dưới mệnh giá 1.0 cho dù đó là NH có tên tuổi hay không. Hiện thời muốn tìm ra được bảng giá OTC cho chuẩn cũng khó chứ đừng nói đến các giao dịch và một số kênh giá tham khảo thì cũng khá “loạn”. Một trưởng phòng môi giới cho biết tại phòng giao dịch vẫn có NĐT đến mua bán CP NH D. được đánh giá khá cao, giá khoảng 7.000 đồng/CP, nhưng lên một trang web về CP OTC giá chào bán có khi lên đến 90.000-10.000 đồng/CP.

 

Như đã nói ban đầu, trong một ngành đang ở vào thế “không thuận” như NH thì những sự kiện mang tính đột biến tích cực rất khó xuất hiện. Một sự kiện khá hot với CP NH hồi tháng 3 đó là khi những thông tin về việc STB và PNB sáp nhập xuất hiện trên thị trường, CP của PNB đã tăng từ 3.000-4.000 đồng/CP lên 7.000-8.000 đồng/CP.

Cứ cho là giá PNB tăng mạnh, nhưng có bao nhiêu giao dịch, quy mô lớn đến đâu thì không thể thống kê trên OTC. Nhưng những ai “ôm” PNB trong đợt sốt ngày nghe thông tin về việc sáp nhập giữa STB và PNB vẫn chưa thể tiến hành hẳn sẽ phải chờ đợi thêm. Có NĐT tếu rằng, thực chất đầu tư vào CP NH lúc này thì OTC cũng không khác gì niêm yết.

Thực tế, cho đến thời điểm này những giao dịch CP NH trên OTC thoạt nhìn có vẻ trầm lắng, nhưng vẫn không loại trừ vào thời điểm nào đó sẽ xuất hiện những thương vụ lớn. Dù rằng ngành NH đang khó, nhưng tiềm năng của ngành này ai cũng thấy được trong dài hạn.

Và người mua thông thường sẽ là các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính. Giá của CP NH hiện nay đang ở mức hấp dẫn, trong khi các tổ chức, NH có tiền để đầu tư tại thời điểm hiện nay không thiếu. Vấn đề nằm ở chỗ mức giá chào bán là bao nhiêu, bên mua mua vào để làm gì, tái cấu trúc hay mua rẻ để chờ thời bán lại với giá cao hơn.


SONG NGỌC

 


Tuyên bố trách nhiệm:  Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Giao dịch trực tuyến

Thông tin liên hệ

  • Tổng đài liên hệ:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Giải đáp thắc mắc:
  • (028) 44 555 888
  • (028) 38 271 020
  • Ext: 2
  • Đặt lệnh qua điện thoại:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
  • Hỗ trợ trực tuyến:
  • (028) 44 555 888 - Ext: 1
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên internet số 93/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cấp ngày 12/8/2015